Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, gồm nội dung liên quan đến việc miễn, giảm lãi và phí vay qua thẻ tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Dự thảo quy định, tổ chức phát hành thẻ quyết định miễn, giảm lãi suất, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động phát hành thẻ tín dụng mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán tại các vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng do Thủ tướng hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công bố bằng văn bản. Đối tượng áp dụng là các khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, quy định trên nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị giảm thu nhập do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, gồm cả dịch Covid-19 hoặc các sự kiện bất khả kháng.
Ngân hàng sẽ được tự quyết miễn giảm lãi phí thẻ tín dụng. Ảnh: VPBank.
Để đảm bảo giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng miễn, giảm lãi suất cho vay không bị trục lợi, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ ban hành quy định nội bộ để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống.
Trong đó, tổ chức phát hành quy định cụ thể về tiêu chí xác định số dư nợ của khách hàng thuộc vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng do Thủ tướng hoặc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công bố bằng văn bản.
Đồng thời, các tổ chức trên cũng cần đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng sau khi được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; Theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với việc miễn, giảm lãi, phí và số dư nợ được miễn, giảm lãi.
Bên cạnh nội dung trên, dự thảo cũng quy định tổ chức phát hành thẻ phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, thủ tục phát hành thẻ của cá nhân bằng phương thức điện tử phù hợp với quy định, pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử, các quy định pháp luật liên quan về đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động.
Ngoài ra, tổ chức phát hành thẻ căn cứ điều kiện công nghệ áp dụng khi nhận biết và xác minh khách hàng để đánh giá rủi ro, quyết định áp dụng hạn mức giao dịch thẻ của khách hàng mở bằng phương thức điện tử nhưng phải đảm bảo tổng hạn mức giao dịch qua thẻ ghi nợ (bao gồm hạn mức thấu chi), thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh không vượt quá 100 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, trong trường hợp khách hàng có nhu cầu phát hành thẻ bằng phương thức điện tử để sử dụng thanh toán quốc tế và với hạn mức giao dịch cao hơn 100 triệu đồng/tháng, các tổ chức phát hành thẻ có thể thực hiện thêm các biện pháp xác thực khác như xác thực thông qua cơ sở dữ liệu căn cước công dân, đồng thời áp dụng biện pháp gọi ghi hình… hoặc gặp mặt trực tiếp chủ thẻ chính.