CEO một công ty bất động sản có trụ sở tại khu An Phú, quận 2, thuộc khu Đông TP HCM tiết lộ kế hoạch 2020 công ty tập trung mục tiêu thận trọng vượt khó hơn là chiến lược bành trướng vì đây là năm nhiều thách thức nhất so với giai đoạn 2015-2018. Đà giảm tốc của thị trường cùng với bất ổn pháp lý, cú sốc tâm lý ngại rủi ro từ giới đầu tư chưa kịp chữa lành trong năm 2019, đang trở thành rào cản rất lớn đối với thị trường nhà đất năm 2020.
Vị này cho biết, trong 12 tháng tới, công ty duy trì 50-60 nhân sự nhưng sẽ tối ưu chi phí và cải thiện hiệu suất. "Chúng tôi sẽ tinh gọn bộ máy và kiểm soát các chi phí cố định sao cho hiệu quả nhất, không mở rộng đầu tư đại trà và chi tiêu chặt chẽ hơn", ông nói.
Trong khi đó, lãnh đạo một công ty bất động sản có trụ sở tại khu Nam TP HCM xác nhận doanh nghiệp chia năm 2020 ra làm 2 chu kỳ ngắn với 6 tháng đầu năm phòng thủ và 6 tháng cuối năm tùy cơ ứng biến. Doanh nghiệp đã có kế hoạch ứng phó với kịch bản nửa đầu năm 2020 rất khó bán hàng, doanh thu eo hẹp và thị trường chỉ thật sự khởi động vào nửa cuối năm nhưng rất chậm chạp. Công ty hạ mục tiêu doanh số xuống mức khiêm tốn, chỉ đạt trung bình thấp trong vòng 5 năm trở lại đây và thu hẹp quy mô. Hiện 15% nhân sự của doanh nghiệp cũng tự chủ động cắt giảm để chuyển ngành.
Thị trường bất động sản TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa
Dự cảm năm 2020 đầy chông gai, chủ tịch hội đồng quản trị công ty bất động sản có trụ sở tại quận 3, TP HCM thừa nhận đang tính chuyện bán bớt cổ phần tại các công ty con và công ty thành viên để thu hồi dòng tiền xử lý nợ. Hiện doanh nghiệp còn nhiều dự án bị chậm trễ trong khâu giao đất nên áp lực lãi vay trở thành gánh nặng lớn. Do đó, giải pháp khẩn trong 12 tháng tới của doanh nghiệp là thu hồi vốn tại các công ty liên kết, thậm chí là bán bớt tài sản để xử lý nợ.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Ngọc Châu Á, Nguyễn Lộc Hạnh cho rằng trong 12 tháng tới khó có thể kỳ vọng vào kịch bản tươi sáng trong bối cảnh thị trường địa ốc đã liên tục giảm tốc suốt năm 2019. Tiên lượng trước điều này nên các công ty địa ốc đều có sách lược vượt khó để tồn tại. Có thể xem đây là đợt tự sàng lọc quy mô lớn của các doanh nghiệp bất động sản.
Bài toán các công ty địa ốc buộc phải tính đến trong năm 2020 là đối mặt với việc cắt giảm chi tiêu. Không bán được hàng hoặc không có hàng để bán đồng nghĩa với việc doanh số thấp, trong khi còn phải gồng mình trả lãi vay cho các dự án dở dang, nên buộc phải thắt lưng buộc bụng. Các doanh nghiệp sẽ chỉ giữ lại những nhân sự chất lượng, đào thải bớt nhân sự kém hiệu quả và giảm chi phí tuyển dụng cũng như thu hẹp ngân sách marketing vì lý do sống còn.
Chuyên gia này dẫn nguồn báo cáo mới nhất của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2019 ngành kinh doanh bất động sản ghi nhận 598 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động. Bất động sản cũng là ngành có tỷ lệ công ty giải thể cao (686 doanh nghiệp), tăng 39,4% so với cùng kỳ năm 2018. "Nhiều khả năng số lượng các doanh nghiệp địa ốc rời thị trường sẽ tiếp tục tăng lên trong năm 2020", ông Hạnh dự báo.