Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP HCM đã phân tích tình hình vĩ mô thế giới và Việt Nam trong năm 2019 từ những khía cạnh khác nhau của nền kinh tế. Từ đó đưa ra những dự báo cho hoạt động kinh tế Việt Nam và thế giới trong năm 2020.
Trong năm 2019, trên thế giới và khu vực, tình hình kinh tế có nhiều chuyển biến phức tạp với sự xuất hiện của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, sự gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, quá trình Brexit để nước Anh rời khỏi EU… đã tạo ra sự bất định chính sách có nguy cơ tác động tiêu cực đến nền kinh tế và thương mại toàn cầu. Do đó, xuyên suốt năm 2019, các hiện tượng trước đây được xem là bất thường của nền kinh tế toàn cầu đã xảy ra thường xuyên hơn và được biết đến như những điều "bình thường mới".
Trong bối cảnh này, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức cao nhưng không chịu sức ép của lạm phát cũng như nền kinh tế với độ mở cao nhưng dường như ít nhạy cảm với các tác động tiêu cực của thương mại toàn cầu. Trên thực tế, những kết quả trên có được nhờ phần lớn vào việc điều hành kinh tế vĩ mô đồng bộ và nhất quán của Chính phủ với mục tiêu nâng cao tính tự chủ nền kinh tế trong giai đoạn 2016-2020.
Trong năm 2020, các chuyên gia nhận định, xu hướng "bình thường mới" của nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế Việt Nam, trong đó các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn nước ngoài với chi phí thấp, mặt bằng giá cả trong nước cũng được hỗ trợ bởi mặt bằng giá cả thấp trên thị trường quốc tế.
Lãi suất thấp tại các nền kinh tế phát triển cũng tạo điều kiện cho việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất trong nước, thậm chí giảm nhẹ để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Thị trường ngoại hối cũng được hỗ trợ bởi xu hướng tăng giá của đồng USD sẽ chững lại…