Sự kiện có sự tham gia của Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam, đại diện chính quyền các tỉnh Ibaraki, Hokkaido, Fukushima (Nhật Bản), hơn 300 tổ chức tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản như Mitsubishi, Sumitomo, Taisei, Mizuho…cùng nhiều cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam và quốc tế.
Thị trường chiến lược
Phát biểu tại sự kiện, ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản nhận định quan hệ hợp tác Việt – Nhật đang ở giai đoạn đỉnh cao và sẽ tiếp tục phát triển.
Thành tựu này có sự nỗ lực kết nối của Chính phủ hai nước và mong muốn hợp tác mạnh mẽ của chính cộng đồng doanh nghiệp hai bên.
"Với ý chí quyết tâm phát triển, kết nối quốc tế rất mạnh mẽ từ đội ngũ lãnh đạo năng động của Tập đoàn FLC, tôi cho rằng Hội thảo ngày hôm nay là cơ hội rộng mở để nhà đầu tư Nhật Bản có thể tìm kiếm hợp tác với một doanh nghiệp đa ngành có độ tin cậy cao, giúp các bạn có thể tối ưu nguồn vốn đầu tư và tạo lập một vị trí vững chắc tại thị trường Việt Nam", Đại sứ khẳng định.
Ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản
Nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường Nhật Bản, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cho hay sau 2 năm tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư đầu tiên tại Nhật (2017), FLC đã có những bước tiến vững chắc để kết nối với thị trường này trên nhiều lĩnh vực.
"Nhật Bản là nơi chúng tôi mở văn phòng đại diện nước ngoài đầu tiên và cũng là một trong những thị trường quốc tế đầu tiên được Bamboo Airways khai thác chỉ sau 4 tháng vận hành. Sắp tới chúng tôi sẽ mở văn phòng đại diện của Bamboo Airways tại Nhật để tiếp tục xúc tiến thương mại với những hợp tác cụ thể và hiệu quả. Dự kiến ngay từ cuối năm 2019, đầu năm 2020, tần suất bay đến Nhật Bản sẽ đứng đầu trong các đường bay quốc tế của Bamboo Airways", ông Quyết nhấn mạnh và cho biết Nhật Bản được xác định là thị trường quốc tế trọng điểm của FLC và Bamboo Airways trong thời gian tới.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC
Cơ hội rộng mở
Trong hệ sinh thái các sản phẩm được giới thiệu trong khuôn khổ Hội nghị, Bất động sản – du lịch - nghỉ dưỡng và golf là ba lĩnh vực thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà đầu tư.
Theo số liệu mà ông Nguyễn Trọng Thức, Quản lý cấp cao của CBRE cung cấp, thị trường du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam trong vài năm gần đây đã cho thấy tốc độ tăng trưởng "bùng nổ" với lượng khách quốc tế năm 2018 tăng 20%, nằm trong nhóm hàng đầu của Châu Á.
Trong sự tăng trưởng mạnh mẽ này, xu hướng phát triển các dự án BĐS mang tính tích hợp; kết hợp căn hộ, khách sạn và nhiều tiện ích giải trí, nghỉ dưỡng như sân golf, trung tâm chăm sóc sức khoẻ…đang trở thành một trong những xu hướng nổi bật. Đơn cử trong lĩnh vực golf, Việt Nam đang có 46 sân golf đang hoạt động thì có đến 31 sân nằm trong các dự án tích hợp.
Theo ông Thức, mô hình này đã góp phần hình thành sự "trỗi dậy" của những điểm sáng mới trong thị trường BĐS nghỉ dưỡng như Quy Nhơn, Quảng Bình, Vân Đồn…với sự góp mặt của những nhà đầu tư tiên phong như Tập đoàn FLC.
Về nhận định của đại diện CBRE, ông Lê Thành Vinh, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC cho biết chiến lược phát triển dự án khác biệt với mô hình quần thể đa tiện ích quy mô kết hợp cả hai yếu tố bất động sản và nghỉ dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng tạo dựng thành công cho mảng BĐS của FLC trong những năm qua.
"Người mua nhà có thể tận hưởng những tiện ích như nghỉ dưỡng còn quần thể nghỉ dưỡng thì được xây dựng như một thành phố thu nhỏ với đầy đủ tiện ích khép kín và đồng bộ", ông Vinh nói và cho rằng chính sự cộng hưởng của hai yếu tố này đã góp phần mang lại giá trị tối ưu cho các sản phẩm BĐS của FLC tại nhiều các địa phương, với giá trị có thể cao hơn 5-6 lần so với các sản phẩm bất động sản đơn thuần.
Mô hình này sẽ được FLC phát triển đồng bộ với quỹ hơn 230 dự án đang được nghiên cứu đầu tư và xúc tiến pháp lý tại 56 tỉnh thành Việt Nam. "Quỹ dự án rộng lớn tạo ra cơ hội hợp tác thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản trong hệ sinh thái BĐS, du lịch và sân golf đang được chúng tôi xúc tiến trên mọi vùng miền của Việt Nam", ông Vinh kết luận.
Ông Lê Thành Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn FLC
Đường bay kết nối
Cùng đóng góp tích cực trong việc hình thành hệ sinh thái đồng bộ về du lịch, nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC là sự có mặt của hãng hàng không Bamboo Airways với những dấu ấn đậm nét tại thị trường Nhật Bản, như chính thức ra mắt Tổng Đại lý các chuyến bay thuê chuyến của hãng tại Nhật Bản: Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Việt Nam – Nhật Bản (VJSC) dưới sự chứng kiến của Thống đốc tỉnh Fukushima.
Bày tỏ sự tin tưởng rằng Bamboo Airways sẽ là một hãng hàng không đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của người Nhật, Đại sứ Vũ Hồng Nam thông tin đến các nhà đầu tư về việc Bamboo Airways vừa thực hiện ký kết hợp tác với hai địa phương Fukushima và Ibaraki để quảng bá, xúc tiến du lịch và triển khai các chuyến bay thuê chuyến trực tiếp với hai tỉnh trên.
"Tôi tin tưởng rằng đây chỉ là sự khởi đầu và rất nhiều địa phương khác của Nhật Bản cũng mong có những ký kết hiệu quả như vậy. Tôi sẽ hỗ trợ hết sức mình để Bamboo Airways có thể hoàn thiện những nền tảng pháp lý cần thiết để chúng ta tham gia tích cực hơn nữa vào thị trường hàng không đang tăng trưởng rất mạnh như hiện nay", Đại sứ nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội nghị
Trước đó, sáng 1-7 tại thủ đô Tokyo, Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways đã ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược với nhiều đối tác Nhật Bản có mạng lưới toàn cầu trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo cấp cao của hai nước. Tổng giá trị các thoả thuận hợp tác này ước tính khoảng 200 triệu USD. Hội thảo xúc tiến do FLC tổ chức cùng những ký kết hợp tác nói trên được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới thúc đẩy quá trình hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực, qua đó mở ra những cơ hội hợp tác thực chất và hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.