Shahid ‘Shad’ Khan sinh năm 1952 trong một gia đình trung lưu tại Lahore, bang Punjab, Pakistan. Năm 1967, Shahid Khan, khi đó 16 tuổi, rời quê hương để tới Mỹ và học trường Đại học Illinois, để theo đuổi giấc mơ trở thành một kiến trúc sư. Khi ấy, ông chỉ có vỏn vẹn 50 USD trong tay. Để có tiền trang trải phí phòng ký túc xá khoảng 2 USD/đêm, chàng trai trẻ nhận rửa bát thuê với mức lương 1,2 USD/tiếng.
Vâng, đó là câu chuyện của quá khứ. Còn ở hiện tại, khi nhắc tới người đàn ông gốc Pakistan này, người hâm mộ bóng bầu dục Mỹ sẽ không còn xa lạ, ông được biết tới là tỷ phú "khuôn mặt của giấc mơ Mỹ". Shahid Khan sở hữu đội bóng bầu dục Jaguar Jacksonville tại bang Florida và câu lạc bộ bóng đá Fulham của Anh.
Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để cậu bé 16 tuổi với vỏn vẹn chưa tới 200 nghìn đồng tiền Việt trong tay có thể trở thành một doanh nhân nắm trong tay hàng tỷ đồng. Câu trả lời có lẽ đúng như những gì ông từng chia sẻ: "Số phận nằm trong tay chính mỗi người".
Người đàn ông dám từ bỏ đam mê vì... tiền
Có lẽ, sớm nhận ra chân lý trong câu nói: "Cứ theo đuổi đam mê, rồi nợ nần sẽ đuổi theo bạn", ngay trong kỳ học đầu tiên, Khan đã gạt bỏ kế hoạch trở thành một kiến trúc sư bởi nhận thấy "nghề này không tạo ra được nhiều tiền". Sau đó, ông chuyển sang học ngành Kỹ thuật Công nghiệp. Cũng từ giây phút ấy, Khan quyết định: số phận nằm trong tay ông và đã sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách trong đời.
Sau giai đoạn đầu bỡ ngỡ, Shad Khan bắt đầu tìm hiểu về cuộc sống tại Mỹ, tìm kiếm những cơ hội việc làm tốt hơn nhờ tham gia vào các hoạt động ngoại khóa tại trường đại học. Khan quyết định không đi rửa bát thuê tại các nhà hàng mà xin vào làm việc tại công ty sản xuất ô tô Flex-N-Gate và vừa đi học vừa đi làm. Sau khi tốt nghiệp, Khan được nhận vào làm luôn tại công ty này với chức danh giám đốc kỹ thuật.
Nhận thấy phương thức của Flex-N-Gate vừa tốn chi phí vừa khó khăn trong khâu sản xuất, Shahid đã tự nghiên cứu và sáng chế ra cách làm giảm xóc liền mạch, không có mối hàn, vừa tiết kiệm vừa có độ bền cao hơn. Năm 1978, ông rời Flex-N-Gate và quyết định khởi nghiệp. Shahid dùng 16.000 USD tiền tiết kiệm, vay thêm 50.000 USD thành lập công ty Bumper Works, chuyên về phụ tùng dành cho xe tải. Sau khi Shahid giới thiệu tính năng và ưu thế của bộ giảm xóc mới nghiên cứu, hãng xe hơi lớn nhất nước Mỹ General Motors đã ký ngay hợp đồng với công ty ông.
Trong vòng 2 năm, Khan đã mua lại Flex-N-Gate – công ty đã thuê ông làm việc cho họ.
Đến năm 1987, công ty Flex-N-Gate của Khan trở thành nhà phân phối duy nhất bộ giảm chấn cho xe bán tải Toyota. Nối tiếp thành công, công ty của ông được Toyota tin tưởng và nhận đặt phụ tùng cho toàn bộ dòng xe của họ.
Các sản phẩm phụ tùng của công ty Shahid sản xuất luôn đảm bảo hai tiêu chí: Thiết kế thông minh và chất lượng sản phẩm nhẹ, bền. Nhờ không ngừng nỗ lực cải tiến sản phẩm, Flex-N-Gate liên tiếp gặt hái nhiều thành công.
Ông nhanh chóng mở rộng quy mô và thị trường bằng cách mua lại các công ty sản xuất phụ tùng với nhiều chủng loại sản phẩm. Hiện nay, khách hàng quen thuộc của Flex-N-Gate là những hãng ôtô nổi tiếng thế giới như Ford, General Motors, Volkswagen AG, Toyota, Suzuki.
Doanh nhân xuất thân nghèo khó nhưng rất yêu thể thao
Không chỉ dừng ở hoạt động kinh doanh, năm 2011, Khan trở thành chủ sở hữu của đội bóng thi đấu tại giải bầu dục quốc gia Mỹ (NFL) khi hoàn tất vụ mua lại Jacksonville Jaguars với giá 760 triệu USD. Niềm đam mê và quan tâm tới môn bóng bầu dục của doanh nhân gốc Pakistan xuất phát từ quãng thời gian ông theo học đại học.
Khan tin, ngoài những dự án kinh doanh, ông có thể giúp các cầu thủ chơi bóng theo cách tốt nhất. Ông cũng đầu tư cho các phòng thay đồ của cầu thủ, bởi theo ông, được sử dụng các tiện nghi sang trọng và thoải mái sẽ giúp họ chơi xuất sắc hơn.
Tuy tỷ phú Khan đặt nhiều kỳ vọng vào đội của mình nhưng Jacksonville Jaguars vẫn phải chấp nhận thất bại trước các đối thủ khác. Dẫu vậy, người đàn ông này cho rằng, trong cuộc sống, mỗi thành công hay thất bại đều là một phần của định mệnh không thể tránh né.
Ngoài đội bóng Jacksonville Jaguars, doanh nhân gốc Pakistan còn quản lý câu lạc bộ bóng đá Fullham của Anh, sau khi trùm kinh doanh Ai Cập, Mohamed Al Fayed, sang tay trong tháng 7/2013 với giá khoảng 400 triệu USD.
Gần đây nhất, Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) đang cân nhắc lời đề nghị bán lại sân Wembley với mức giá 500 triệu bảng Anh cho tỷ phú người Mỹ Shahid Khan. Hiện FA cùng tỷ phú Shahid Khan mới bước vào giai đoạn của cuộc đàm phán, trong đó điều khoản thoả thuận ban đầu là FA có quyền bỏ tiền thuê lại sân Wembley phục vụ cho các trận đấu của Tam Sư và trận chung kết FA Cup theo thông lệ.
Ngoài lĩnh vực kinh doanh và thể thao, tỷ phú Shahid Shahid còn nổi tiếng với các hoạt động từ thiện. Ông đang điều hành quỹ Jaguars Foundation, hỗ trợ trẻ em và phụ nữ toàn cầu.
Doanh nhân này khá kín tiếng về đời tư. Ông kết hôn với người yêu thời đại học là Ann. Họ có hai con, Tony Khan và Shanna Khan song cả gia đình ít khi xuất hiện trước truyền thông.