Ảnh minh họa
Đây là lời kêu cứu của Công ty TNHH Sơn Trường, một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất của Hải Phòng, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng và bê tông đúc sẵn.
Tại bức tâm thư gửi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng văn bản gửi tới Văn phòng Chính phủ, doanh nhân Tạ Quyết Thắng, người sáng lập và đồng thời là Tổng giám đốc Công ty Sơn Trường cho biết dù nỗ lực mở rộng hoạt động đầu tư sản xuất - kinh doanh, nhưng cơ hội với doanh nghiệp dường như ngày càng khép lại do những đoạn trường trong thực hiện thủ tục hành chính.
Tại cuộc làm việc với báo chí mới đây, ông Thắng chia sẻ cụ thể về câu chuyện này. Cụ thể, điểm nghẽn mấu chốt hiện nay là thủ tục giao dịch tài sản đảm bảo yêu cầu doanh nghiệp phải có đăng ký tài sản trên đất, tức là có sổ hồng thế chấp ngân hàng mới được vay vốn.
“Trước đây, chỉ cần có sổ đỏ là chúng tôi có thể thế chấp vay vốn ngân hàng, song từ khi quy định phải có sổ hồng khiến doanh nghiệp hết sức khó khăn. Cấp sổ hồng là khâu đang rất vướng hiện nay. Giấy phép xây dựng là thủ tục bắt buộc phải có để được cấp sổ hồng, song khâu xin cấp phép xây dựng hầu như đang bế tắc vì sự bất cập, mâu thuẫn chính trong các quy định thủ tục”, ông Thắng nói.
Theo phản ánh của ông Thắng, Nhà máy Bê tông Gia Minh của Công ty Sơn Trường tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng có tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng đã được đưa vào hoạt động vận hành từ tháng 11-2016, doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng tiền thuê đất 1 lần cho 50 năm, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ, sổ hồng. Vì vậy, doanh nghiệp không thể thế chấp để vay vốn ngân hàng.
Dự án thứ hai là Xí nghiệp tư nhân Trung Hải còn bi đát hơn. Dự án này đang thi công xây dựng nhà máy thì bị dừng do chưa có giấy phép xây dựng.
Ông Thắng cho biết, doanh nghiệp đã chạy đôn đáo gõ cửa các sở ban ngành địa phương, cũng như các bộ có liên quan, thậm chí đã có văn bản đề nghị UBND TP.Hải Phòng chỉ đạo giải quyết theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, song các cơ quan vẫn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khiến doanh nghiệp không biết bị tắc ở khâu nào, thủ tục bị vướng ở đâu.
Ước tính mỗi năm, vì sự ngừng trệ này, doanh nghiệp thiệt hại hơn 1,5 tỷ đồng chi phí bảo trì nhà xưởng, thiết bị, đồng thời ảnh hưởng đến việc làm của hơn 300 lao động của Xí nghiệp.
Ngoài hai dự án bị đình trệ này, tại đơn thư gửi tới lãnh đạo Đảng và Chính phủ vào cuối năm 2018, Công ty Sơn Trường còn nêu 10 vụ việc khó khăn bế tắc của doanh nghiệp khi đầu tư các dự án trị giá lên tới hàng trăm tỷ đồng tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Bình trong thời gian qua cho đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Trong đó có những dự án 11 năm mới được cấp sổ đỏ nhưng không được sử dụng vì quy hoạch đã bị thay đổi, có dự án chuyển đổi quyền sử dụng đất từ tên cũ sang tên mới hơn 10 năm vẫn chưa xong, dự án 3 năm không xin được cấp phép xây dựng khai thác mỏ đá phải đóng cửa nhà máy… Thậm chí, dự án xây trường học tặng cho địa phương, nhưng có tới 23 thủ tục mới được đưa vào sử dụng.
Sau khi nhận được đơn “kêu cứu” của doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng tại 3 địa phương kiểm tra, xử lý các phản ánh của Công ty TNHH Sơn Trường về việc chậm trễ, gây phiền hà trong thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng, khoáng sản tại địa phương, kịp thời chấn chỉnh, xem xét kỷ luật các cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị có vi phạm nếu có; đồng thời nghiên cứu, xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp về vướng mắc, bất cập trong quy định của các thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng, tiếp cận tín dụng; đề xuất giải pháp cải cách thủ tục hành chính trên; trả lời công ty và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-12-2018. Tuy nhiên đến nay, các vụ việc vẫn không có tiến triển.