Trong tình huống các vướng mắc pháp lý được dỡ bỏ hoặc tiếp tục kéo dài, thị trường bất động sản đứng trước hai ngã rẽ trái ngược nhau.
Kịch bản thiếu hụt
Nếu vướng mắc pháp lý tiếp tục kéo dài, nguồn cung chắc chắn bị hạn chế và thiếu hụt. Thị trường thứ cấp sẽ sôi động nhưng nguy cơ làm giá (thổi giá, tăng giá) bất động sản lớn hơn. Sẽ có nhiều nhà đầu tư chọn những kênh đầu tư khác hoặc thị trường khác để tìm kiếm nhiều cơ hội đa dạng hơn. Hàng tồn kho bất động sản sẽ giảm vì được tiêu thụ dần trong thời gian chờ nguồn cung mới, nhưng giá nhà sẽ tăng cao và thị trường vùng ven có thể vượt qua thị trường chủ lực là TP HCM do sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư.
Thị trường bất động sản TP HCM. Ảnh: Trần Quỳnh
Kịch bản bùng nổ
Trong trường hợp các vướng mắc pháp lý được giải tỏa, thị trường xóa bỏ rào cản về rủi ro pháp lý, nguồn cung sẽ tăng mạnh. Đi kèm với việc nguồn cung tăng lên là gánh nặng hàng tồn kho lớn dần.
Tuy nhiên, điểm sáng của việc hàng hóa dồi dào là giá bán cạnh tranh do các chủ đầu tư không còn vị thế độc quyền, buộc phải bán hàng theo cơ chế thị trường với giá hợp lý để cạnh tranh tìm đầu ra. Thị trường thứ cấp nhiều khả năng sẽ hạ nhiệt. Nguồn cung dồi dào dẫn đến lượng nhà bàn giao cuốn chiếu cũng tăng theo, khiến thị trường cho thuê sụt giảm biên lợi nhuận.
Dù đưa ra 2 kịch bản đối lập, song ông Kiệt cho rằng rất khó để thị trường lập tức bùng nổ nguồn cung trong 6-12 tháng tới. Chuyên gia này đánh giá, nhiều khả năng, 2020 sẽ là một năm thuận lợi cho các chủ đầu tư đã có dự án được cấp phép (đầy đủ pháp lý) sẵn sàng bán ra thị trường.
Thị trường thứ cấp tiếp tục nóng lên do thị trường sơ cấp bị hạn chế nguồn cung. Nhu cầu nhà ở vẫn tiếp tục tăng, chủ yếu đến từ thế hệ Y (Millennials – những người sinh năm 1980 đến 2000). Năm 2020 sẽ là năm khó khăn cho người mua nhà vì thị trường có quá ít sự lựa chọn và giá bán vẫn tăng do nguồn cung hạn chế.