Sáng 22-2, lãnh đạo TP HCM đã gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản nhằm tháo gỡ những vướng mắc đang bị ách tắc hiện nay.
Nhiều doanh nghiệp đang vướng mắc việc đóng tiền sử dụng đất - Ảnh: Lê Anh
Buổi gặp gỡ trở nên "nóng" hơn khi các doanh nghiệp phản ánh khâu tính tiền sử dụng đất mất rất nhiều thời gian và mong muốn được đóng tiền sử dụng đất sau khi tiến hành xây dựng dự án.
Đa phần các doanh nghiệp phản ánh, hiện nay việc thực hiện thủ tục xác định giá đất, thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất mất rất nhiều thời gian. Nếu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan nỗ lực, phối hợp chặt chẽ thì mất khoảng 1 năm, còn không thì phải mất 2-3 năm hoặc lâu hơn.
Bên cạnh đó, thời gian thi công xây dựng dự án nhà ở thương mại trung bình mất khoảng trên dưới 3 năm mới đủ điều kiện được huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai. Nếu sau khi bồi thường giải phóng mặt bằng, được duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và đã có quyết định thu hồi đất, giao đất, mà chủ đầu tư không được khởi công xây dựng dự án theo quy định của Luật Xây dựng, thì sẽ làm tăng thêm chi phí lãi vay, chi phí quản lý, chi phí đầu tư dự án, làm tăng giá thành nhà ở khiến giá bán nhà ở tăng theo, làm cho người mua nhà bị thiệt.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cho biết quy định doanh nghiệp phải đóng tiền sử dụng đất trước khi được công nhận là chủ đầu tư, chưa được thẩm định thiết kế dự án, chưa được cấp giấy phép xây dựng, chưa được triển khai thi công, là chưa phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và cũng không phù hợp thực tiễn.
Ông dẫn chứng, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng và các văn bản dưới luật đều không quy định chủ đầu tư dự án nhà ở phải nộp tiền sử dụng đất trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án, giai đoạn thi công xây dựng trước khi bán nhà, nền nhà, hoặc huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc đầu tư xây dựng của các dự án nhà ở thương mại cho thấy, thực hiện quy trình thủ tục xác định giá đất (Sở Tài nguyên và Môi trường), thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất (Sở Tài chính, Hội đồng thẩm định giá đất thành phố) trên thực tế mất rất nhiều thời gian, doanh nghiệp phải chờ đợi rất lâu mới nộp được tiền sử dụng đất, dẫn đến dự án nhà ở chậm được thực hiện.
Trong những năm qua, thời gian thực hiện thủ tục này mất khoảng 2 năm, nhưng nhiều dự án phải mất từ 3 năm trở lên. Nếu nộp tiền sử dụng đất trước các thủ tục khác doanh nghiệp bị chôn vốn, chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí quản lý... cũng tăng theo, dẫn đến giá nhà sẽ bị tăng, mà cuối cùng người mua nhà phải gánh chịu.
Vì vậy, một số doanh nghiệp bất động sản mong muốn được đóng tiền sử dụng đất khi đã được cấp phép và tiến hành xây dựng.
Trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết theo quy trình 5 bước, doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất trước thì mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi mới làm thủ tục xây dựng. Nếu cho nộp sau khi đã tiến hành xây dựng, thì dẫn đến nợ tiền sử dụng đất.
"Nếu doanh nghiệp không nộp tiền sử dụng đất thì sao làm được các bước tiếp theo. Không có cơ quan nào dám cho xây dựng rồi mới đóng tiền sử dụng đất", ông Hoan giải thích.
Theo ông Hoan cách tháo gỡ để đẩy nhanh các dự án cụ thể là thành phố kiến nghị lên trung ương. Trong quá trình trung ương xem xét thì làm song song các thủ tục để rút ngắn.
Sau khi nghe các doanh nghiệp trao đổi, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Tài chính, Sở Tư pháp, giải trình.
Đại diện Sở Tư pháp cho biết việc nộp tiền sử dụng đất phải thực hiện trước khi doanh nghiệp làm thủ tục xây dựng và đưa ra sản phẩm ra thị trường. Ông Phong không hài lòng về câu trả lời này và yêu cầu Sở Tư pháp giải thích rõ ràng dựa trên các quy định cụ thể. Nhưng đại diện Sở Tư pháp chỉ nói được quan điểm của mình là nộp tiền sử dụng đất trước khi làm các bước tiếp theo.
Giải thích thêm về quy định doanh nghiệp phải đóng tiền sử dụng đất trước khi xây dựng, ông Phong cho biết, các sở, ngành của thành phố làm dựa trên hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương. Tuy nhiên hiện nay, trong các Luật đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở, Luật Đầu tư có những điều khoản "đá" nhau dẫn đến vướng mắc khi thực hiện. "Các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động thực tiễn khi có vướng gì thì kiến nghị để thành phố giải quyết trong phạm vi thẩm quyền, còn vượt quá thẩm quyền thành phố sẽ báo cáo trung ương xin hướng giải quyết", ông Phong nói.
Sau khi lãnh đạo TP HCM trao đổi, nhiều doanh nghiệp đồng tình với việc đóng tiền sử dụng đất trước khi tiến hành xây dựng. Ông Nguyễn Văn Đồi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc và Xây dựng SSG 2 mong muốn, việc đóng tiền sử dụng đất được đóng càng nhanh càng tốt. Bởi vì trên thực tế có những doanh nghiệp bán dự án khi chưa biết đóng tiền sử dụng đất là bao nhiêu, khi bán rẻ, doanh nghiệp thua lỗ, phá sản thì lại kêu cứu. "Việc đóng tiền sử dụng đất càng sớm càng thể hiện sức khỏe của doanh nghiệp", doanh nghiệp này đề xuất.