Chung cư Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú) nơi diễn ra tranh chấp gay gắt quỹ bảo trì chung cư giữa cư dân và chủ đầu tư dự án.
Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 100 chung cư xảy ra tình trạng tranh chấp thì có gần một nửa trong số đó là tranh chấp liên quan việc bàn giao, quản lý 2% quỹ bảo trì chung cư giữa cư dân và chủ đầu tư. Theo quy định hiện hành, người mua nhà trước khi nhận bàn giao nhà phải đóng quỹ bảo trì tương đương 2% giá trị căn hộ cho chủ đầu tư tạm quản lý.
Khi ban quản trị chung cư được thành lập do cư dân bầu ra, chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao lại số tiền này. Tuy nhiên, tại nhiều chung cư, do số tiền quá lớn cho nên đã xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân, thậm chí giữa cư dân với chính ban quản trị chung cư. Tại chung cư Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú), từ năm 2014 đến nay, cư dân liên tục cầu cứu khắp nơi, trong đó có UBND thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì nhưng đến nay hàng chục tỷ đồng vẫn bị chủ đầu tư chiếm dụng. Hiện nay, 173 hộ dân tại đây đã biểu quyết đề nghị UBND thành phố chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra khởi tố hình sự chủ đầu tư là Công ty cổ phần Ðầu tư và Phát triển địa ốc Khang Gia, nếu không bàn giao 2% phí bảo trì chung cư cho ban quản trị chung cư. Công ty cổ phần Ðầu tư và Phát triển địa ốc Khang Gia (chủ đầu tư dự án) cũng thừa nhận đã chậm trễ trong việc thanh toán 2% phí bảo trì chung cư này với số tiền khoảng 5,8 tỷ đồng. Do vậy, công ty này xin thanh toán theo hình thức trả góp mỗi tháng 300 triệu đồng. Việc thanh toán bắt đầu từ cuối tháng 11-2018 cho tới khi thanh toán hết số tiền nêu trên. Tuy nhiên, đề xuất này của chủ đầu tư đã không được cư dân chấp nhận. Tương tự, tại chung cư Phú Thạnh (quận Tân Phú), tình trạng tranh chấp quỹ bảo trì chung cư giữa cư dân và chủ đầu tư cũng diễn ra mấy năm nay khi số tiền ước tính hơn 23 tỷ đồng vẫn đang được chủ đầu tư "mượn" để đầu tư xây dựng dự án. Tại huyện Nhà Bè, Sở Xây dựng thành phố đã phải đề xuất với UBND thành phố ban hành quyết định xử phạt hành chính chủ đầu tư chung cư New Sài Gòn 125 triệu đồng vì chậm bàn giao phí bảo trì cho ban quản trị chung cư. Theo phản ánh của cư dân, mặc dù dự án đã đưa vào sử dụng từ năm 2009 nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao đủ 2% quỹ bảo trì chung cư khoảng 31 tỷ đồng. Ngoài đề xuất phạt 125 triệu đồng đối với hành vi vi phạm chậm bàn giao và bàn giao không đầy đủ phí bảo trì phần sở hữu chung, Sở Xây dựng thành phố cũng đề xuất hình thức phạt bổ sung là buộc chủ đầu tư bàn giao ngay toàn bộ kinh phí bảo trì theo quy định cho ban quản trị chung cư. Trước đó, tại chung cư 4S Riverside (quận Thủ Ðức) do Công ty Thành Trường Lộc làm chủ đầu tư cũng đã xảy ra tranh chấp đến mức căng thẳng giữa cư dân mà đại diện là ban quản trị chung cư với chủ đầu tư xoay quanh quỹ bảo trì với số tiền hơn 3,1 tỷ đồng. Trong khi cư dân liên tục yêu cầu chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì, thậm chí kiện ra tòa đòi tiền, thì chủ đầu tư lại trì hoãn không bàn giao với lý do được nêu ra là một số người trong ban quản trị chung cư không phải là chủ sở hữu căn hộ mà chỉ là người đi thuê nhà. Tại cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố với chủ đề "Tranh chấp quỹ bảo trì" do Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, ông Ngô Triều Vân, Chủ tịch HÐTV Công ty TNHH Ðại Thành (chủ đầu tư chung cư Hiệp Tân, quận Tân Phú) cho rằng, quỹ bảo trì là một khoản tiền rất lớn, tuy nhiên hiện nay lại chưa có một quy định hướng dẫn cụ thể nào về kiểm soát, chế tài đối với việc quản lý quỹ. Cũng chưa có một tiêu chí nào quy định chọn các cá nhân vào ban quản trị chung cư để quản lý và sử dụng nguồn tiền này. Tổng Giám đốc SSG Group Nguyễn Văn Ðồi cho rằng, "cuộc chiến" quỹ bảo trì chung cư giữa ban quản trị chung cư và chủ đầu tư xảy ra một phần cũng có lý do từ việc cấp con dấu và thành lập ban quản trị chung cư. Theo quy định thì Chính phủ giao Bộ Công an khắc con dấu, tuy nhiên lúc đến cơ quan công an hỏi thì nơi đây lại bảo đang chờ thông tư hướng dẫn. Chính điều này đã khiến doanh nghiệp khó bàn giao phí bảo trì cho ban quản trị. Cũng vì phí bảo trì tại nhiều chung cư rất lớn cho nên có một số trường hợp ban quản trị chưa minh bạch trong việc thu, chi khiến tiền của các cư dân thất thoát. Ðể giải quyết hài hòa việc bàn giao quỹ bảo trì chung cư thì nên thành lập cơ quan để quản lý các ban quản trị chung cư. Thực tế cho thấy, chức danh Trưởng ban quản trị chung cư hiện nay là một nghề rất "hot" và rất quyền lực. Thử hình dung, khu chung cư 1.000 căn hộ, bình quân khoảng 4.000 cư dân, thì vị trưởng ban quản trị chung cư này có khác gì người đứng đầu quản lý hành chính của một xã? Thấy được "miếng bánh" béo bở này cho nên không ít người ra sức sử dụng các mánh lới để chạy đua vào ban quản trị. Luật pháp hiện nay cũng không có quy định, chế tài hay quản lý vấn đề ban quản trị chung cư… Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, phương án giải quyết tốt nhất những tranh chấp tại các chung cư chính là hội nghị nhà chung cư. Mọi chi tiêu của ban quản trị phải thông qua sự đồng ý tại hội nghị nhà chung cư để giám sát quản lý. Ðề án "An ninh kinh tế trong lĩnh vực bất động sản" mà Bộ Xây dựng đang hoàn thiện và dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 12 tới sẽ giải quyết triệt để "cuộc chiến" giành quỹ bảo trì giữa chủ đầu tư và ban quản trị chung cư. Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Bộ Công an chủ trì tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể vi phạm trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, nhất là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định của pháp luật. Những biện pháp này kỳ vọng sẽ chấm dứt các tranh chấp liên quan quỹ bảo trì nhà chung cư thời gian tới… |