Lĩnh vực bất động sản nơi chứng kiến nhiều xu hướng mới trong năm 2021 cùng sự phục hồi của các thị trường cốt lõi, đã và đang định hình lại tương lai bất động sản châu Á – Thái Bình Dương.
Theo báo cáo từ công ty tư vấn bất động sản CBRE, triển vọng với thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương (APAC) là tương đối tích cực. Báo cáo cũng đào sâu sâu hơn vào dự báo về triển vọng kinh tế của khu vực cũng như quan điểm về xu hướng chính và cơ hội phát triển trong phân khúc văn phòng, công nghiệp & logistics, bán lẻ và các lĩnh vực đầu tư khác.
Nền kinh tế tiếp đà phục hồi để phát triển xa hơn
Mặc dù có sự xuất hiện của các biến chủng mới, song triển vọng tăng trưởng kinh tế khu vực APAC trong năm nay vẫn được đánh giá cao, có thể ngang bằng với thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát. Theo CBRE, sở dĩ có những đánh giá tích cực này là nhờ vào sự phát triển "vượt bậc" tại Trung Quốc và Ấn Độ.
Có những dự đoán khác nhau về tỷ lệ lạm phát trong khu vực, nhưng giá cả được dự báo sẽ giữ ở mức ổn định và tỷ lệ lạm phát cũng nằm trong mức kiểm soát đối với chính phủ các nước. Môi trường lãi suất thấp trong khu vực có thể tiếp diễn trong năm nay khi các chính phủ tìm cách tạo điều kiện hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế.
Một vấn đề cần quan tâm đó là việc đại dịch gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. Sự gián đoạn được dự báo sẽ vẫn tiếp diễn trong nửa đầu và dần phục hồi trong nửa cuối năm. Do đó, chi phí cho vấn đề cung ứng cũng cần được quan tâm.
Các công ty công nghệ, dịch vụ tài chính thúc đẩy nhu cầu thuê văn phòng
Nhu cầu thuê văn phòng trong khu vực đã dần phục hồi trong giai đoạn cuối năm 2021, và hoạt động cho thuê được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 10% trong năm nay. Tuy nhiên, hoạt động cho thuê văn phòng ở một số thị trường dự kiến sẽ bị ngắt quãng bởi nguồn cung hạn chế. Bên cạnh đó, các văn phòng linh hoạt, hướng đến các yếu tố xanh – sạch sẽ lên ngôi, thay thế cho các văn phòng truyền thống.
Ngành công nghệ và dịch vụ tài chính như quản lý tài sản, fintech,… đã trở thành động lực chính cho sự phục hồi của thị trường văn phòng trong năm 2021. Năm nay, khi các công ty trong những lĩnh vực này tiếp tục mở rộng quy mô, thị trường văn phòng sẽ tiếp tục được hưởng lợi.
Nhu cầu với bất động sản logistics tăng cao
Năm 2022 được kỳ vọng sẽ là một năm tăng trưởng mạnh đối với bất động sản công nghiệp trong khu vực APAC. Trong đó, phân khúc bất động sản logistics tiếp tục là trụ cột. Nhu cầu về bất động sản logistics sẽ tiếp tục bị chi phối bởi thương mại điện tử, ngoài ra cũng chịu tác động từ các ngành nghề như hàng tạp hóa, sản xuất thực phẩm và các ngành dược phẩm. Điều này sẽ đem đến khả năng cạnh tranh cho kho lạnh chất lượng cao, phân khúc vẫn còn kém phát triển ở hầu hết thị trường trong khu vực.
Mô hình tiêu thụ bán lẻ quay trở lại trạng thái bình thường
Dù biến thể Omicron khiến thị trường bán lẻ đối mặt với những sự không chắc chắn nhưng các chuyên gia CBRE vẫn kỳ vọng mô hình tiêu thụ bán lẻ sẽ quay trở lại trạng thái bình thường trong năm nay.
Các vị trí đắc địa ở khu vực trung tâm sẽ là nhân tố chính giúp các nhà bán lẻ tìm cách mở rộng quy mô khi họ tận dụng lợi thế của thị trường. Tuy nhiên, ảnh hưởng của đại dịch vẫn sẽ tác động tới các đơn vị bán lẻ trong tương lai gần, qua đó cũng gây ảnh hưởng tới các đơn vị cho thuê mặt bằng bán lẻ.
Khối lượng đầu tư đạt đỉnh
Năm 2022 được dự báo là năm kỷ lục đối với khối lượng đầu tư khu vực APAC vì tâm lý thị trường sẽ vẫn lạc quan. Ngoài ra, sau hai năm bị dồn nén bởi dịch bệnh, các nhà đầu tư cũng sẽ có nhiều vốn để triển khai hơn. CBRE dự báo tổng giá trị khối lượng đầu tư bất động sản tại khu vực APAC sẽ tăng 5% - 10%, đạt khoảng 150 tỷ USD trong năm 2022.
Nhìn chung, CBRE nhận định triển vọng đối với thị trường bất động sản châu Á – Thái Bình Dương tương đối tươi sáng, với cơ hội được trải đều trên các phân khúc. Những nhà đầu tư bất động sản có thể chủ động tìm kiếm cơ hội trong năm nay sẽ có được vị thế tốt về lâu dài.