Giá nhôm, kim loại thường được sử dụng trong sản xuất hộp, ôtô và xây dựng, tăng 50% trong năm qua, tạo thêm áp lực lạm phát khi kinh tế thế giới dần phục hồi sau đại dịch Covid-19. Trong phiên 31/8, giá nhôm lên cao kỷ lục ở 2.727 USD/tấn trên Sở giao dịch Kim loại London.
Giá các mặt hàng khác như thiếc và đồng đều đạt mức cao kỷ lục trong năm nay khi nhu cầu tăng vọt trở lại và chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn do đại dịch Covid-19 khiến các mỏ và lò luyện không thể hoạt động hết công suất.
Giá nhôm lên cao nhất 10 năm khi Bắc Kinh siết giao dịch đầu cơ. Ảnh: Getty Images.
Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới, đang cố gắng kìm hãm đà tăng giá bằng cách giải phóng kho dự trữ kim loại ra thị trường và đưa ra cảnh báo chống đầu cơ trên thị trường hàng hóa.
Tuy nhiên, giá nhôm vẫn tăng mạnh do các nhà máy ở Trung Quốc cắt giảm sản lượng trong bối cảnh chính phủ tăng cường giám sát các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường để hoàn thành tham vọng về phát thải khí nhà kính.
Đầu tuần này, Bloomberg từng đưa tin rằng tỉnh Quảng Tây có thể yêu cầu cắt giảm sản lượng nhôm và thép nhằm giảm ô nhiễm.
Trước đó, sản lượng nhôm của Trung Quốc đã giảm vì thiếu điện trong mùa hè, đặc biệt là ở tỉnh Vân Nam. Địa phương này bị thiếu điện trong vài tháng gần đây do mùa khô kéo dài.
Vân Nam được dự báo sẽ chiếm 50% trong tăng trưởng sản lượng nhôm toàn cầu trong giai đoạn 2020 – 2023, theo các chuyên gia phân tích tại công ty tư vẫn CRU.
Ngày 30/8, các nhà máy luyện nhôm lớn nhất Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp để giải quyết tình trạng tăng giá, theo Hiệp hội Công nghiệp Kim loại Màu Trung Quốc. Tại cuộc họp, lãnh đạo các doanh nghiệp nhận định việc giá nhôm tăng mạnh là điều phi lý và cam kết sẽ ổn định thị trường bằng cách đảm bảo cung cấp đủ nhôm và ngăn chặn hoạt động đầu cơ.
"Các công ty đều đồng ý rằng việc duy trì giá nhôm trong phạm vi hợp lý sẽ có lợi cho sự ổn định và tương lai lâu dài của ngành, sự phát triển đồng bộ của toàn bộ chuỗi cung ứng cũng như sự ổn định và sức khỏe của nền kinh tế quốc gia", thông báo chung viết.
Các chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs cho hay giá kim loại sẽ chỉ tăng do nhu cầu tăng mạnh ở Trung Quốc và các nền kinh tế phát triển như Mỹ và châu Âu. Trong khi các thị trường tập trung đánh giá các sự kiện như sự gia tăng của các ca nhiễm Covid-19 và chiến lược siết chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào cuối năm nay, các yếu tố cơ bản của thị trường kim loại đã bị bỏ qua.
Ngân hàng này tăng giá nhôm mục tiêu trong 12 tháng tới lên 3.200 USD/tấn.