Cán cân đầu tư nghiêng về khu Đông?
Xét trên tổng thể, việc ưu tiên điều chỉnh quy hoạch khu Đông TP là hoàn toàn hợp lý. Bởi các khu vực điều chỉnh chưa tập trung đông dân cư nên ít gây xáo trộn, và việc điều chỉnh sẽ giúp cho thành phố tăng cường khả năng quản lý quy hoạch phát triển đô thị, hấp dẫn nhà đầu tư và tăng hiệu quả khai thác.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa khu Tây đang dậm chân tại chỗ. Vài năm trở lại đây, hạ tầng giao thông của khu Tây ngày càng hoàn thiện nhờ sự hiện diện của các công trình giao thông trọng điểm như Quốc lộ 1A, tỉnh lộ 10, Quốc lộ 50, cao tốc TP HCM – Trung Lương, cầu vượt An Sương, các tuyến cao tốc 10 tỷ USD TP HCM – Mộc Bài (Tây Ninh) và TP HCM – Cần Thơ, các tuyến Metro số 3A (Bến Thành – Tân Kiên), số 5 (ngã tư Bảy Hiền – cầu Sài Gòn). Ngoài các tuyến metro, TP HCM cũng chuẩn bị khởi công tuyến đường Vành đai 2, giúp giao thông khu Tây Sài Gòn kết nối với các quận nội thành và Bình Dương, Đồng Nai, Long An thuận tiện hơn.
Đặc biệt, sự kiện chính thức thông xe nhánh N2 nút giao thông An Sương tháng 7 vừa qua và đề xuất kéo dài đại lộ Võ Văn Kiệt nối liền Long An được nhận định là một điểm nhấn trong bức tranh hạ tầng tổng thể của khu Tây TP HCM, thúc đẩy thông thương và phát triển kinh tế cho khu vực đông dân bậc nhất TP tính đến tháng 7/2020.
Đại lộ Võ Văn Kiệt – điểm nhấn bức tranh hạ tầng tổng thể khu Tây TP HCM về đêm.
Đòn bẩy từ nhu cầu thực trong dân
Song hành cùng sự phát triển hạ tầng và tiện ích xã hội, tỉ lệ tăng dân số cơ học cùng mật độ nhập cư lưu trú tăng nhanh khiến vấn đề nhà ở càng trở nên cấp bách ở khu vực Tây TP HCM. Theo Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, hiện có 11,7% hộ dân cư đang sống trong các ngôi nhà/căn hộ đi thuê/mượn. Đặc biệt, tại TP HCM tỉ lệ này là 32,8%. Nhu cầu ở thực cao đã thu hút khá nhiều "ông lớn" trong thị trường bất động sản, giúp diện mạo khu Tây từng ngày hiện đại hơn, nhưng đồng thời cũng ảnh hướng lớn đến giá nhà đất tại khu vực.
Trong bối cảnh thị trường nhà đất thiết lập giá mới liên tục, quận 6, 8, 11, Bình Tân, Tân Phú và Tân Bình được nhận định giá đất vẫn đang ở mức hợp lý, và biên độ tăng giá rơi vào ngưỡng trung bình từ 20-25%/năm. Lúc thị trường diễn biến tốt, ở các dự án có lợi thế mặt tiền đường lớn giá có thể tăng lên mức 35%/năm. Đặc biệt, tại các khu vực gần tuyến An Vương Dương giao Võ Văn Kiệt được dự báo trở thành tiêu điểm đầu tư tại khu vực bởi sức hút đối với các đại gia khu vực miền Tây Nam Bộ.
Quận 8- cửa ngõ giao thương hàng hoá giữa miền Tây và TP.HCM phát triển với các tuyến đường lớn như đại lộ Võ Văn Kiệt, Phan Thế Hiển, An Dương Vương, Phạm Hùng…
Theo các chuyên gia trong ngành, hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực đang phát triển mạnh, nhu cầu thực cao và giá còn "mềm" sẽ là lợi thế để bất động sản nơi đây tăng giá trị. Đây cũng chính là lý do mà thời gian qua, loạt dự án bất động sản từ nhà phố, đất nền đến căn hộ đã được các doanh nghiệp tập trung phát triển tại đây và có thanh khoản khá tốt.
Theo dự báo của các chuyên gia, trong tương lai, thị trường khu Tây TP HCM sẽ còn bùng nổ hơn nữa về giá lẫn giao dịch. Bởi nơi đây không chỉ là điểm trung chuyển trong mô hình phát triển đô thị tập trung và đa cực của TP HCM mà còn là khu đô thị cửa ngõ với những dự án dân cư, hạ tầng kết nối cũng như các tiện ích về y tế, giáo dục và thương mại…, đặc biệt, với sự khởi động của tuyến đường sắt đô thị, quy hoạch hợp lý thì khu vực này dự báo sẽ trở thành đối trọng xứng tầm với khu Nam và cả khu Đông của TP HCM.
Tuy vậy, hiện cũng chỉ có một số dự án mới bung hàng trước bối cảnh khan hiếm nguồn cung nói chung và được xem là sẽ có lợi thế rất lớn về sức mua lẫn giá bán.