Theo Sở GTVT TP HCM, trong năm 2018, các đơn vị trên địa bàn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 13 công trình/hạng mục công trình như: Hầm chui-cầu vượt nút giao thông Mỹ Thủy; nhánh N1 nút giao thông An Sương; hầm chui nút giao thông ĐH Quốc gia; cầu qua đảo Kim Cương; nâng cấp đường Lê Đức Thọ; xây dựng đường D1 (kết nối ĐH Sài Gòn với đường Nguyễn Văn Linh và khu dân cư Him Lam); xây dựng cầu Rạch Lăng (quận BìnhThạnh).
Song song đó, TP HCM cũng đã khởi công xây dựng tám dự án: Xây dựng cầu Thủ Thiêm 2; cải tạo dốc cầu Phạm Văn Chí; mở rộng nâng cấp đường Tô Ký; nâng cấp mở rộng đường số 12 (đoạn từ QL1 đến cổng Nghĩa trang TP), quận Thủ Đức; xây dựng cầu Long Kiểng; mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9…
Dự án hầm chui nút giao thông ĐH Quốc gia đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, giúp giải tỏa áp lực kẹt xe nghiêm trọng ngay cửa ngõ phía Đông TP HCM.
Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch, năm 2019 TP HCM sẽ phối hợp cùng một số tỉnh lân cận để thực hiện xây dựng các công trình giao thông mang tính kết nối liên vùng có quy mô vốn đầu tư lớn.
Được biết, TP HCM đang tích cực phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết cho dự án Đường Vành đai 3 được đầu tư nhanh chóng trong năm nay.
Theo đó, tuyến đường vành đai 3 đoạn Nhơn Trạch - TP HCM dài hơn 30km. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng từ ngã tư quận Thủ Đức (TP HCM) đến đường 25B tại trung tâm huyện Nhơn Trạch với chiều dài khoảng 17km. Dự kiến trong quý II năm nay sẽ khởi công trước đoạn 1A dài gần 9km, kéo dài từ đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đến đường 25B. Tổng mức đầu tư trên 5.300 tỷ đồng, gồm vốn vay và vốn đối ứng.
Song song đó, Sở GTVT TP HCM thời gian qua đã chủ động làm việc với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai để đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng. Cụ thể, mới đây các địa phương đã có cuộc họp về việc cùng phối hợp triển khai đầu tư xây dựng dự án cầu Cát Lái 7.200 tỷ đồng nối huyện Nhơn Trạch với quận 2 của TP HCM.
Theo đó, tỉnh Đồng Nai cho biết cũng đang làm việc với một số nhà đầu tư tiềm năng cùng bàn thảo phương án đầu tư, dự kiến dự án cây cầu trọng điểm này sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2019.
Được biết, UBND TP HCM đã có quyết định đầu tư mở rộng đường từ cầu Rạch Chiếc trên vành đai phía Đông đến xa lộ Hà Nội, tái lập tuyến ống cấp nước và hầm van quận 9.
Theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải, UBND TP HCM đã chấp thuận bố trí vốn ngân sách TP HCM năm 2019 để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ đầu tư xây dựng đoạn 1 từ cầu Rạch Chiếc trên Vành đai phía Đông đến Xa Lộ Hà Nội, gồm nút giao thông Bình Thái và đoạn 2 từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng thuộc đường Vành đai 2 TP HCM.
Dự án hầm chui và cầu vượt 3 tầng tại nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ dự kiến sẽ được xây dựng trong năm 2019 sẽ mở rộng cửa ngõ khu Nam TP.HCM.
Hai công trình được mong đợi tiếp theo trong năm 2019 là nút giao Mỹ Thủy (Quận 2) và nút giao An Sương (Tân Bình), thi công giai đoạn 2. Đây là những điểm giao của hai trục đường chính của TP HCM, trong đó có trục đường Đồng Văn Cống - Nguyễn Thị Định ra vào cảng Cát Lái với lượng xe vận chuyển hàng hóa lên tới hơn 20.000 lượt mỗi ngày. Sở GTVT TP HCM cho biết hai công trình này dự kiến sẽ được khánh thành trong quý 3/2019, nhằm giải quyết nhanh vấn đề ùn tắc và tai nạn giao thông tại các cửa ngõ ra vào TP HCM.
Song song đó, UBND TP HCM đã giao công ty Phú Mỹ Hưng nhanh chóng xúc tiến phương án đầu tư dự án hệ thống hầm chui, cầu vượt 3 tầng tại ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, với số vốn gần 4.000 tỷ đồng. Được biết, Sở GTVT hiện đang triển khai và cố gắng có thể khởi động dự án trong năm 2019. Hiện việc di dời hạ tầng phức tạp tại khu vực nút giao này đã và đang được tiến hành.
Đặc biệt quan trọng, về dự án mở rộng đường Nguyễn Tất Thành, ngày 30/11/2013, UBND TP HCM ban hành Quyết định số 6331/QĐ-UBND phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tiểu khu cảng quận 4. Được biết, đường Nguyễn Tất Thành có chiều dài khoảng 3km nhưng giữ một vai trò hết sức quan trọng khi giúp kết nối khu trung tâm TP HCM với các quận, huyện phía Nam TP HCM và cả nhiều tỉnh, thành miền Tây Nam bộ.
Theo đó, đường Nguyễn Tất Thành được quy hoạch mở rộng với lộ giới từ 37 – 46m. Hiện UBND TP HCM đang kêu gọi nhà đầu tư, có thể được triển khai công tác đền bù giải tỏa trong năm 2019 này nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công cầu.
Cũng trong năm 2019, dự án mở rộng cửa ngõ Đông Bắc (khu vực ngã tư Hàng Xanh - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Ung Văn Khiêm - Đinh Bộ Lĩnh - Nguyễn Xí) sẽ được triển khai sau hơn 16 năm "nằm trên giấy".
Theo đó, dự án này sẽ được chia thành 3 tiểu dự án, gồm: Xây cầu Ông Dầu (quận Thủ Đức); làm nút giao ngã năm Đài liệt sĩ (gần Bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh); nâng cấp, mở rộng đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh). Tổng kinh phí xây dựng 3 dự án là 2.293 tỷ đồng, trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng hơn 1.364 tỷ đồng.
Về tiến độ triển khai thực hiện các dự án trên, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) cho biết, hiện tại quận Bình Thạnh đã trình phương án giá đền bù, giải tỏa ở khu vực ngã năm Đài liệt sĩ và các hộ dân dọc tuyến đường Ung Văn Khiêm, từ ngã năm đến chân cầu Sài Gòn. Nếu có mặt bằng, CII sẽ triển khai thực hiện ngay.
Về dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu (nằm trong dự án thành phần xây dựng cầu Bình Triệu 2 - do CII làm chủ đầu tư), Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết từ đầu năm 2018 TP HCM đang bắt tay cùng Bình Dương tiến hành các phương án đền bù giải tỏa để chuẩn bị khởi động xây dựng mở rộng tuyến Quốc lộ 13 lên 10 làn xe.
Nhiều dự án giao thông nghìn tỷ nhằm mở rộng cửa ngõ Đông Bắc, Tây Bắc, kết nối khu sân bay cũng sẽ được triển khai ngay trong năm 2019.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho biết trong năm 2019 sẽ ưu tiên triển khai các dự án tại những cửa ngõ TP HCM, các dự án kết nối giao thông tại khu vực Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để đáp ứng nhu cầu phát triển mới tại những khu đô thị vệ tinh. Tiếp tục khai thác tốt cơ sở hạ tầng hiện có, đẩy mạnh đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch.
Trước đó, TP HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt gồm các dự án về giao thông cần thực hiện cấp bách để kéo giảm ùn tắc tại khu vực các cửa ngõ thành phố vốn đang là những điểm thường xuyên bị ùn tắc, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của cả thành phố và vùng phụ cận.
Cụ thể, các dự án cấp bách cần áp dụng cơ chế đặc thù để sớm hoàn thành tại khu Đông như các đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội, từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng, từ nút giao An Lạc đến đường Nguyễn Văn Linh của dự án đường vành đai 2; các đoạn từ đường Hoàng Diệu đến đường Nguyễn Văn Linh và đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến Khu công nghiệp Hiệp Phước thuộc đường trục Bắc – Nam; dự án cầu Thủ Thiêm 4...