Luật sư điều hành Công ty Luật LPVN, Nguyễn Văn Lộc cùng Giám đốc Công ty Luật Thịnh Việt Trí, Lương Ngọc Đinh và chuyên gia pháp lý Nguyễn Tấn Phong vừa công bố cẩm nang bất động sản "Bên mua cần biết luật lệ gì".
Ấn phẩm này cho biết mua nhà đất bao sổ đỏ, sổ hồng (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà) chưa hẳn là an toàn, thậm chí vẫn có thể mất cả chì lẫn chài, nếu người mua bỏ qua những bước quan trọng thẩm định tài sản. Các chuyên gia đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư nên thực hiện ít nhất 7 bước cơ bản để tránh thiệt hại tiền tỷ khi mua nhà đất bao sổ đỏ, sổ hồng.
Bước 1: Kiểm tra các giấy tờ cần thiết. Đầu tiên giấy tờ về pháp lý tài sản có đầy đủ và hợp pháp không? Đó là danh sách giấy chứng nhận, thông báo nộp lệ phí trước bạ và biên lai nộp lệ phí trước bạ, giấy tờ hoàn công, thông báo thuế đất hàng năm và biên lai nộp thuế...
Hiện nay tình trạng lừa đảo bằng giao dịch sổ đỏ, sổ hồng giả đã xuất hiện trên thị trường. Để chống hàng giả mạo, nhà đầu tư nên cầm các giấy tờ này trên tay chứ đừng nhìn qua loa hoặc nhìn ảnh chụp, hãy sờ và cảm nhận bề mặt các giấy tờ này cũng như lưu ý số serie, mã vạch... Nếu không có kiến thức về việc này nên dẫn theo một chuyên gia pháp lý để được sự hỗ trợ.
Bước 2: Kiểm tra tình trạng thế chấp. Người mua nhà cần rà soát bất động sản có đang thế chấp không? Nếu có, việc thế chấp này được thực hiện tại ngân hàng hay ở tổ chức nào? Nếu thế chấp tại ngân hàng thì việc yêu cầu đặt cọc nên thực hiện ở đâu và cần chuẩn bị thủ tục gì?
Thị trường nhà đất khu Nam TP HCM. Ảnh: Lucas Nguyễn
Bước 3: Kiểm tra tính chính chủ. Bạn tiếp cận tài sản đã đúng và đủ chủ sở hữu chưa? Bộ hồ sơ bạn được cung cấp có đầy đủ và hợp lệ hay chưa? Tình trạng hôn nhân của chủ nhà đất thế nào? Nếu đã kết hôn cần có giấy chứng nhận kết hôn và nếu ly hôn thì cần có quyết định/bản án ly hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân (độc thân). Giấy tờ nhân thân của chủ nhà đất đang bán có đầy đủ và hợp pháp không? Các giấy tờ này gồm: chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, sổ hộ khẩu...
Bước 4: Kiểm tra quyền định đoạt. Bên bán đã có đầy đủ người (chủ sở hữu) để cùng ký hợp đồng mua bán chưa? Nếu chưa đủ, người không có mặt có giấy ủy quyền ký thay hay không? Bên bán có ký hợp đồng tại cơ quan công chứng theo thời gian đã thỏa thuận hay không? Có phải chờ đợi đủ người đồng sở hữu hay chỉ một người?
Bước 5: Đến hiện trường thực địa. Người mua nhà đất, nhà đầu tư cần kiểm tra tình trạng thực tế của bất động sản. Trước tiên, xem xét tình trạng bất động sản thực tế có đúng với ghi nhận trên giấy chứng nhận hay không? Nếu không đúng thì cần đàm phán lại. Người mua cần xem xét khả năng tự kiểm tra hiện trạng pháp lý của nhà đất tại cơ quan chức năng, người sống lân cận...
Bước 6: Cân nhắc tình trạng sử dụng của tài sản. Các câu hỏi nhà đầu tư cần đặt ra trước khi mua nhà đất là có ai ở trong căn nhà, khu đất này hay không? Nếu có người ở thì họ đang thuê hay đang sử dụng bất động sản này dưới hình thức nào? Đây là cách rà soát xem tài sản bạn sắp mua, sắp đầu tư có đang bị chiếm dụng hay không nhằm tránh nhưng tranh chấp rắc rối về sau. Bên cạnh đó cũng cần khảo sát xem hệ sinh thái hay môi trường sống ở ngay căn nhà, khu đất ra sao?
Bước 7: Liệt kê danh mục tài sản. Mua một căn nhà hay khu đất cũng có không ít tài sản liên quan trên đó. Vì vậy bên mua cần lưu ý vật dụng, thiết bị đính kèm bất động sản có đúng với thỏa thuận mua bán ban đầu giữa các bên hay không? Cũng nên xác định xem có cần phải lập bảng danh mục tài sản hay không? Nếu có thì nên lập và kiểm tra đối chiếu kỹ lưỡng.