Không ít người đã nghe lời trung tâm môi giới bất động sản (BĐS) nước ngoài dỏm tại Việt Nam để mua bán nhà, đất ở nước ngoài. Có người đầu tư hàng chục tỉ đồng để mua nhà ở Mỹ, Úc với mong muốn "lướt sóng" kiếm lời, được cấp thẻ xanh... Tuy nhiên, phần lớn trong số họ chỉ thu về những "trái đắng".
Đắt đỏ, thuế phí cao
Một thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ (NAR) vào tháng 3 năm ngoái cho thấy người Việt đã chi tới 3 tỉ USD vào việc mua BĐS tại Mỹ từ tháng 4-2016 đến tháng 3-2017.
Chị Tố Loan, người mua BĐS bên Mỹ, cho biết ở Mỹ chỉ khuyến khích đầu tư, tạo công ăn việc làm cho xã hội, chứ không ưu ái cho những ai đầu cơ BĐS, chờ "sóng lên" rồi sang nhượng để kiếm lời. Cho nên thuế, phí mua nhà ở nước ngoài theo con đường này bao giờ cũng rất cao.
"Phí dịch vụ môi giới nhà, đất khi người Mỹ sang nhượng là rất thấp nhưng với người nước ngoài thì mức phí này có thể lên đến 5%-6% giá trị tài sản. Cộng thêm thuế thu nhập đối với người nước ngoài phải nộp 15%-45% trên mức giá trị sinh lời của BĐS.
Do đó, sau khi trừ đi các loại thuế, phí thì việc đầu tư BĐS với người nước ngoài tại Mỹ là không hề có lợi mà thậm chí còn bị lỗ nặng" - chị Loan nói.
Ông Phạm Hùng, người mua nhà ở Úc, cho biết tùy theo diện tích căn hộ 40-100 m2 mà giá có thể dao động từ 600.000 AUD (đôla Úc) đến 1,2 triệu AUD/căn. Ngoài tiền nhà, khách hàng còn phải chi thêm tiền mua bãi đậu xe với giá 80.000-100.000 AUD, phí quản lý 1.000-3.000 AUD/năm, phí xử lý nước thải cũng hết khoảng 800-1.000 AUD/năm.
Chưa kể hàng loạt phí, như luật sư tư vấn cũng tốn 4.000-5.000 AUD/hợp đồng. "Hãy thử lao vào đầu tư BĐS ở nước ngoài mà xem, có khi mất cả chì lẫn chài" - ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Hùng còn chỉ ra hàng loạt điểm đáng lưu ý, như những người nước ngoài không có visa Úc thì chỉ được phép mua nhà mới hoàn toàn hoặc nhà dự án đang trong quá trình xây cất. Có nghĩa là khi muốn sang nhượng nhà cũ thì chủ nhà chỉ có thể bán lại cho người Úc chứ không thể bán cho một khách nước ngoài khác.
Còn về đất thì chính sách của Úc quy định ai mua đất trong hai năm không xây nhà cũng phải bán lại và chi phí xây dựng nhà ở nước này vô cùng đắt đỏ.
Nhiều người chi số tiền lớn để mua bất động sản ở nước ngoài mà không hề biết những rủi ro phía trước. Ảnh: Hoàng Giang
Gian nan đứng tên nhà chính chủ
Con đường để được cầm trên tay giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất tại các nước phát triển cũng không hề dễ dàng. Theo quy định của chính phủ Việt Nam, công dân Việt Nam chỉ được chuyển ngoại tệ ra nước ngoài cho các mục đích: học tập, chữa bệnh, đi công tác, du lịch, thăm viếng, trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài, trợ cấp cho thân nhân, chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài, chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài, chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác.
Do đó, việc chuyển tiền ra nước ngoài mua nhà là điều không thể, vì vậy không ít người sẵn sàng chọn cách chuyển tiền lậu.
Một nhà đầu tư địa ốc ở Mỹ chia sẻ: Có nhiều người chấp nhận chuyển lậu cả triệu USD ra nước ngoài mua nhà thông qua hình thức "tiền chuyển trao tay". Sau khi người quen của mình ở nước ngoài xác nhận là đã nhận được tiền thì người thân ở phía Việt Nam mới chuyển trả cho chi nhánh làm dịch vụ "chui" ở bên này.
Anh Nguyễn Tiến Lương, chủ một doanh nghiệp dệt may ở quận 9, cho biết nếu chuyển nhiều hơn nữa thì có thể qua đường tàu biển. Một số dịch vụ môi giới nhà, đất nước ngoài lại nhận chuyển tiền theo cách hợp thức hóa việc trả nợ. "Nhìn chung, có rất nhiều cách để chuyển tiền lậu và mức phí giao dịch là 1%- 1,5%" - anh Lương nói.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, mua nhà ở nước ngoài theo con đường chuyển tiền bất hợp pháp có nguy cơ gánh chịu hàng loạt rủi ro. "Bởi luật pháp ở nước ngoài quy định khi bán nhà, đất cho người nước ngoài, họ sẽ kiểm tra nguồn gốc của dòng tiền có minh bạch không.
Nếu không chứng minh được nguồn tiền thì không thể đứng tên BĐS ở nước ngoài hoặc phải nhờ người đứng tên hợp pháp" - ông Tín khẳng định.
Có thể bị điều tra tài sản
Chuyên gia tài chính-TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết có nhiều đơn vị tư vấn BĐS còn mê hoặc người mua bằng cách cho rằng mua BĐS nước ngoài sẽ giúp dễ dàng có thẻ xanh hơn.
Thực tế lại khác, chẳng hạn ở Mỹ, nếu không phải nhập cư theo hình thức đoàn tụ gia đình thì chỉ có những người đầu tư vào doanh nghiệp, tạo ra ít nhất 50 công ăn việc làm cho xã hội thì mới đủ điều kiện để được cấp thẻ xanh.
Ngoài ra, những người nước ngoài mua nhà, đất mà chuyển tiền theo những cách bất hợp pháp thì tài sản của họ có thể bị điều tra bởi các cơ quan thuế.
Nếu công ty môi giới địa ốc nào cam kết cứ mua BĐS tại Mỹ thì đã xem như chạm tay tới gần hơn tấm thẻ xanh thì nhà đầu tư cần phải tỉnh táo để nhận diện đây chỉ là một trong các chiêu trò để bán hàng.