Báo cáo thị trường đất thổ cư của Batdongsan cho biết trong quý I, nhiều tỉnh thành ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam đều ghi nhận giá chào bán đất nền tăng cao trên các chợ trực tuyến. Dữ liệu này không đề cập đến đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp dù thời gian qua giới đầu tư và đầu cơ vẫn mua đất nền hỗn hợp rồi chuyển mục đích sử dụng lên thổ cư sau.
Cụ thể, 3 tháng qua, trên các chợ địa ốc trực tuyến tại Hà Nội ghi nhận giá đất nền thổ cư tại huyện Chương Mỹ đội giá 74% so với năm 2021, là mức tăng cao nhất khu vực miền Bắc, đồng thời cao nhất toàn quốc. Các huyện khác thuộc Hà Nội như Đông Anh, Gia Lâm, Quốc Oai ghi nhận giá bán đất nền tăng 20-26%.
Làn sóng tăng giá đất lan ra nhiều tỉnh phía Bắc, trong đó, giá đất thổ cư tại Bắc Giang tăng 35%, theo sau là Hải Phòng tăng giá 29%. Các tỉnh khác như Bắc Ninh, Quảng Ninh lần lượt ghi nhận giá đất đội lên 16-20%.
Tại miền Trung, đất thổ cư tại Bình Thuận tăng giá 13%, Khánh Hòa tăng 26% và Thanh Hóa tăng 35%. Bên cạnh giá bán đất nền biến động mạnh, các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng có lượng người dùng online tìm kiếm đất nền tăng lần lượt là 41%, 35% và 32%.
Trong khi đó, khu vực miền Nam, tại TP HCM, giá đất thổ cư ở Củ Chi (TP HCM) tăng 25%, Bình Chánh tăng 10%. Khu Đông Nam Bộ cũng xảy ra tình trạng giá đất tăng trên các sàn trực tuyến trong những tháng đầu năm. Đất nền tại Đồng Nai, Tây Ninh và Long An chỉ đội giá 7-13% nhưng giá đất nền Bình Phước và Bình Dương leo thang 23-27%.
Đơn vị này đánh giá, do lo ngại về trượt giá và lạm phát khi tiền được bơm ra thị trường qua các gói kích thích kinh tế và giải ngân đầu tư công, nhu cầu tích lũy tài sản gắn liền với đất làm kênh trú ẩn an toàn tăng lên. Khi nhu cầu đất nền tăng, giá bán vì vậy cũng vọt lên theo.
Trên thực tế, thị trường đất nông nghiệp chào bán trực tiếp theo mét ngang ở nhiều địa phương thời gian qua cũng xảy ra tình trạng biến động giá rất lớn. Tại Hà Tĩnh, giá đất nông thôn các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên tăng gấp hai, ba lần so với năm trước. Còn tại Bình Phước, giá rao bán đất ven ĐT 753 khu vực huyện Đồng Phú, liên tục tăng 30-50% chỉ trong quý đầu năm.
Chia sẻ với báo chí tại buổi tọa đàm về vai trò của môi giới địa ốc diễn ra cuối tháng 3, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam xác nhận, đầu năm 2022, giá đất đai ở nhiều địa phương tiếp tục tăng dù đã biến động mạnh trong năm 2021.
Lý do theo ông Đính là có sự tiếp tay của môi giới không chuyên nghiệp lẫn chuyên nghiệp, đẩy đất đai thành hàng hóa đầu cơ. Những cơn sốt giá không phục vụ sự phát triển kinh tế địa phương, ngược lại để lại nhiều hệ lụy khó lường, khiến thị trường bất động sản phát triển không lành mạnh.
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 4/4, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường, cho rằng một trong số nguyên nhân khiến các nhà đầu tư chọn đất đai, vàng... làm kênh đầu tư, trú ẩn tài sản là do đại dịch hai năm qua làm đứt gãy các chuỗi cung ứng trong nước, toàn cầu, ảnh hưởng tới đầu tư, sản xuất.
Không ít nhà đầu tư tận dụng giai đoạn các địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để mua gom, phân lô bán nền không đúng quy định để thu lời bất chính. Ngoài ra, một số nơi thực hiện chưa nghiêm các phiên đấu giá. Theo ông Thành, có hiện tượng để lộ thông tin, sự thông đồng giữa tổ chức thực hiện đấu giá và người tham gia.
Ông Thành cũng cho rằng, hiện tượng giá đất tăng ở nhiều địa phương đã làm mất đi ưu thế thu hút vốn đầu tư, phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô. Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, trong đó quy định cụ thể hơn về đấu giá tài sản quyền sử dụng đất.