Giới đầu tư bất động sản "đón lỏng"
Thật ra, Long Thành từ lâu đã trở thành câu chuyện quan tâm đặc biệt của cả giới đầu tư thị trường địa ốc phía Nam. Ngay từ thời điểm sân bay Long Thành còn đang trong giai đoạn bàn tính xây hay không xây, bất động sản khu vực này đã bắt đầu có sự nhảy múa, nhưng không tăng mạnh. Tuy nhiên, kể từ sau khi Quốc hội chính thức thông qua việc xây dựng sân bay Long Thành, giá đất Long Thành đã có sự tăng vọt và xác lập nên một mặt bằng giá mới.
Một số dự án DN đang triển khai tại Long Thành
Theo các chuyên gia bất động sản, câu chuyện sân bay Long Thành không chỉ tác động đến thị trường bất động sản Long Thành mà còn tác động đến cả thị trường bất động sản Đồng Nai và các thị trường của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo ghi nhận của phóng viên, thị trường bất động sản Đồng Nai đã diễn ra làn sóng ngầm săn quỹ đất của các đại gia địa ốc. Hầu hết các địa gia địa ốc tên tuổi tại TP HCM đều đã có mặt tại thị trường Đồng Nai. Tại Biên Hòa, các ông lớn trong làng địa ốc như Novaland, Hưng Thịnh, Him Lam, Nam Long…đều đã có mặt với nhiều dự án lớn đã và đang triển khai đón đầu thị trường được đánh giá có nhiều tiềm năng này.
Riêng tại Long Thành, nguồn tin được biết một đại gia địa ốc hàng đầu tại TP HCM đã tạo lập được một quỹ đất có quy mô hơn 700 héc ta tại huyện Long Thành, để lên kế hoạch phát triển dự án nhà ở đón lỏng thị trường này sắp tới.
Ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Asia New Time, cho rằng xét ở nhiều góc độ, Đồng Nai đang có khá nhiều lợi thế để phát triển trong thời gian tới, là địa phương liền kề TP HCM, là cửa ngõ của cả khu vực miền Đông Nam bộ có lợi thế đặc biệt về liên kết vùng. Trong đó những khu vực có hạ tầng phát triển tốt như Long Thành, Nhơn Trạch, Biên Hòa sẽ là những khu vực tâm điểm của thị trường sắp tới.
"Khi sân bay Long Thành được khởi động, thị trường bất động sản Đồng Nai sẽ còn phát triển mạnh hơn, đặc biệt là khu vực quanh sân bay Long Thành sẽ có sự phát triển đột phá, bởi nhu nhà ở, nhu cầu kinh doanh thương mại sẽ theo đó tăng lên đột biến", ông Dương Minh Tiến nhận định, đồng thời cho rằng, lúc đó mặt bằng giá bất động sản Long Thành sẽ phải so sánh với mặt bằng bất động sản ở Thành phố Biên Hòa hiện hữu chứ không còn như hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông Tiến, vấn đề của câu chuyện đầu tư bất động sản Long Thành hiện nay là làm sao để tìm được các dự án được quy hoạch bài bản, rõ ràng về pháp lý để đầu tư, còn với các dự án thiếu pháp lý, chưa rõ ràng về quy hoạch, rủi ro trong đầu tư rất lớn.
Long Thành có vị trí "trời cho"
Một số dự án DN đang triển khai tại Long Thành
Mới đây, Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được tổ chức tại Đồng Nai, câu chuyện xây dựng sân bay Long Thành được các đại biểu đánh giá là cấp thiết để trở thành động lực phát triển cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nói về tính cấp thiết phải nhanh chóng xây dựng sân bay Long Thành, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng, cần xem xét vai trò của cảng hàng không sân bay quốc tế Long Thành với mạng lưới hàng không quốc tế. Khi xét sân bay Long Thành trong mạng lưới hàng không quốc tế thì có thể thấy ngay tầm vóc, lợi thế phát triển to lớn của nó.
"Trên bản đồ hàng không quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nước Việt Nam nằm ở vị trí cuối cùng của phần lớn các đường bay từ Tây sang Đông. Có thể thấy sân bay Long Thành nằm ở một vị trí lý tưởng trên bản đồ hàng không quốc tế. Đó là điểm đầu mối logistics hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đó là vị trí thuận lợi nhất so với tất cả các cảng trung chuyển hàng không quốc tế trong khu vực hiện nay, ngay cả so sánh với sân bay Suvarnabhumi của Thái Lan và sân bay Changi của Singapore", ông Bình nói. Ông Bình làm một phép tính so sánh đơn giản như sau: "Lấy sân bay Long Thành làm tâm tính tổng khoảng cách từ sân bay này đến tất cả các sân bay trong khu vực sau 3 giờ bay, sau đó so sánh giữa các sân bay với nhau với cùng một số lượng chuyến bay để xem tổng khoảng cách nào là nhỏ nhất. Dễ dàng nhận thấy rằng sân bay Long Thành không có đối thủ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về mặt tiện lợi và kinh tế cho hàng trung chuyển".
Theo các đại biểu, Long Thành có vị trí sẽ trở nên tầm cỡ cảng cửa ngõ quốc gia và giữ vai trò một trong ba cực của hệ thống logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm sân bay Long Thành, sân bay Tân Sơn Nhất và cảng nước sâu Cái Mép.
Những diện tích đất trong và lân cận vùng tam giác vàng này trở nên vô cùng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vì lợi thế vận chuyển và các dịch vụ chuyên nghiệp, hấp dẫn nhất trong cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Do vị trí trung tâm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sự xuất hiện của cảng trung chuyển hàng không quốc tế Long Thành sẽ tạo cho Việt Nam trở thành điểm hội tụ của các văn phòng điều hành của các công ty đa quốc gia, các trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng và kéo theo là nơi tổ chức các hội nghị, hội thảo, cuộc thi quốc tế, phát triển du lịch, chăm sóc sức khỏe, giao lưu văn hóa, thể thao..., các hoạt động góp phần đẩy mạnh, đưa hình ảnh Việt Nam ra quốc tế.
Theo các đại biểu, với vị trí "trời cho" đó, chắc chắn Long Thành sau khi xây dựng sẽ trở thành cảng hàng không bận rộn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai gần. Do việc sinh lợi từ dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa và rất nhiều các dịch vụ giá trị gia tăng khác như bảo dưỡng máy bay, hậu cần hàng không, đào tạo, sản xuất, dịch vụ phụ trợ là rất lớn. Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ nhường chức năng trung chuyển quốc tế cho sân bay Long Thành vì lý do an toàn bay, không có không gian phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng, không có cơ hội gắn kết các hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng và các khu vực công nghiệp cận cảng.
Tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý tỉnh Đồng Nai phải đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành. Thủ tướng nói: "Làm sao đến năm 2020 khởi công dự án như mục tiêu đề ra để tạo động lực phát triển cho vùng. Tái định cư, làm công khai, minh bạch thì không có vấn đề gì khó và người dân sẽ ủng hộ".