Vụ cháy tại chung cư Carina Plaza (đường Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8, TP HCM) xảy ra trong đêm khuya 23/3 đã khiến 13 người chết, 91 người bị thương, gây thiệt hại nhiều tài sản có thể nói là hồi chuông cảnh tỉnh cho tình trạng phòng chống cháy nổ không chỉ tại các chung cư mà ở nhiều khu dân cư đông đúc khác tại TPHCM, cũng như xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư để xảy ra sự đau lòng tương tự.
Theo báo cáo của Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP. HCM, trong năm 2017, trên địa bàn thành phố đã xảy ra hơn 1.270 vụ tai nạn và sự cố liên quan đến cháy, nổ, cứu nạn - cứu hộ. Trong đó, đã xảy ra 1.000 vụ cháy, làm 26 người chết, bị thương 44 người.
Cảnh sát PCCC TP HCM cũng cho biết, trong năm 2017 cơ quan này đã tiến hành tổng kiểm tra an toàn PCCC đối với 712 công trình cao tầng, 28 công trình siêu cao tầng, 70 trung tâm thương mại trên địa bàn. Qua kiểm tra đã phát hiện 139 cơ sở vi phạm quy định về an toàn PCCC với 116 lỗi vi phạm.
Chỉ tính trong quý I/2018, thành phố đã xảy ra xảy ra 119 vụ cháy. Tuy số vụ cháy so với năm 2016 giảm nhưng số người thiệt mạng và bị thương do cháy lại có chiều tăng cao. Tổng thiệt hại tài sản từ các vụ cháy, nổ gần 93 tỷ đồng.
Theo Đại tá Đoàn Văn Chón, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, các vụ cháy gây thiệt hại về người xảy ra chủ yếu tại nhà ở hộ gia đình hoặc nhà ở kết hợp với kinh doanh sản xuất, chiếm đến 70%, chứ không chỉ xảy ra ở các chung cư cao tầng.
Thảm hoạ tại Carina Plaza là một trong những vụ cháy chung cư lớn nhất cả nước trong hơn chục năm qua.
Những hàng xóm của anh D.Đ.Th. (đường Nguyễn Ảnh Thủ, xã Bà Điểm, Hóc Môn, TP.HCM) vẫn chưa hết bàng hoàng, đau xót trước sự ra đi đột ngột của bé D.Đ.T. (2, tuổi, con trai anh Thảo) sau vụ cháy nhà định mệnh rạng sáng ngày 26/3/2018.
Khi xảy ra vụ cháy, anh Th. còn trùm được khăn ướt lên người con để thoát khỏi đám cháy, thế nhưng vì sức quá yếu cháu bé đã tử vong sau đó tại bệnh viện. Căn nhà mà gia đình anh Thảo ở được sử dụng làm tiệm photocoby. Đêm xảy ra vụ cháy, tất cả 5 người trong gia đình anh bị bủa vây trong lửa, nhưng chỉ 4 người thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Toàn bộ tài sản, vật dụng trong gia đình đều bị thiêu rụi.
Cho đến tận bây giờ, người dân trên đường Tỉnh lộ 10 (khu phố 1, phường Tân Tạo, quận Bình Tân) vẫn còn ám ảnh về vụ cháy thương tâm xảy ra tại căn nhà số 1686 được sử dụng làm kinh doanh trại hòm.
Theo đó, khoảng 0 giờ 30 phút ngày 12/3/2017, căn nhà bất ngờ phát hỏa, lúc này bên trong căn nhà có 4 người đang kêu cứu. 30 phút sau khi đám cháy được cơ quan chức năng dập tắt thì cả bốn người đã tử vong cùng ba chiếc xe máy và toàn bộ căn nhà bị thiêu rụi.
Cũng tại quận Bình Tân, vụ cháy nhà số 9, đường 10A, phường Bình Hưng Hòa đã cướp đi sinh mạng của thượng úy Cảnh sát PCCC Nguyễn Phi Long. Một người vợ mất chồng, những đứa con mất cha.
Tại quận 8, vụ cháy tại căn nhà số 12 (đường số 7, phường 4, quận 8) ngày 6/9/2017 cũng đã cướp đi sinh mạng của 2 người; 6 người may mắn thoát chết, nhưng người thì sống trong tật nguyền, người bị ám ảnh cả đời bởi vụ cháy. Toàn bộ tài sản tích góp của gia đình bị thiêu rụi trong chốc lát…
Từ những số liệu trên cho thấy, không chỉ tại các chung cư, khu dân cư mà ở bất cứ khu vực nào nếu người dân thiếu ý thức trong công tác PCCC đều có thể trở thành nạn nhân của giặc lửa.
Vụ cháy chung cư Carina vừa qua, điều tra bước đầu cho thấy hệ thống cửa ngăn cháy bị hở dẫn đến khói lan nhanh. Không chỉ cửa ngăn giữa tầng hầm với tầng trên mà cả các cửa lối thoát hiểm các tầng cũng đều mở dù đây là cửa có lò xo tự đóng, một số tầng không có đèn tín hiệu hướng dẫn thoát hiểm.
Điều này cho thấy từ ý thức phòng cháy chữa cháy đến cả thiết bị, quy trình phục vụ cho công tác này đều không hề được quan tâm. Nếu người dân ý thức hơn về công dụng của cửa thoát hiểm, không chèn gạch cho cửa mở để dễ đi lại thì khi xảy ra hỏa hoạn sẽ hạn chế được khói độc bay lên các tầng, chắc chắn sẽ hạn chế được số lượng người chết và thương vong.
Còn tại các khu dân cư, nguyên nhân gây cháy chủ yếu xuất phát từ sự bất cẩn của người dân, trong đó có việc sử dụng điện không an toàn; ý thức chấp hành các quy định về PCCC của người dân, nhất là những hộ gia đình vừa sử dụng nhà để ở vừa kinh doanh, còn hạn chế.
Đại tá Đoàn Văn Chón, cho rằng, tình hình cháy nổ tại TP. HCM còn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, người đứng đầu nhiều doanh nghiệp, cơ sở chưa thật sự quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn chữa cháy và cứu nạn - cứu hộ như: một số chung cư cao tầng chưa được nghiệm thu về phòng cháy nhưng đã cho người dân vào sinh sống.
Đặc biệt, thành phố tồn tại rất nhiều các cơ sở thuộc diện nguy hiểm về nguy cơ cháy, nổ luôn rình rập bất cứ lúc nào nhưng hoạt động không phép. Theo khảo sát và thống kê của cảnh sát PCCC chỉ tính riêng trên địa bàn mỗi quận - huyện hiện có trên 100 cơ sở kinh doanh karaoke, gas, xăng dầu, phế liệu nhưng không có giấy phép hoạt động,…Đây là những con số rất đáng lo ngại tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Một nguyên nhân cơ bản khác gián tiếp làm gia tăng số vụ cháy nhà dân trong thời gian qua là công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với nhà ở kết hợp kinh doanh chưa được pháp luật quy định.
Theo Luật PCCC, nhà ở kết hợp kinh doanh và sản xuất không thuộc sự quản lý, thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC của lực lượng cảnh sát PCCC. Đây là bất cập lớn trong công tác phòng cháy, làm gia tăng nguy cơ cháy, nổ. Thực tế, tại các nhà ở kết hợp kinh doanh thường tồn tại, phát sinh các vi phạm về PCCC như: Mắc điện không an toàn; sắp xếp hàng hóa che kín lối thoát hiểm; không trang bị thiết bị chữa cháy…
Do không phải chịu các chế tài như xử phạt hành chính, đình chỉ kinh doanh cho nên các hộ gia đình, chủ cơ sở kinh doanh vi phạm… không lo. Từ đó, vi phạm ngày càng nhiều và hỏa hoạn tăng cao. Bên cạnh đó, các hộ gia đình vừa sử dụng nhà ở vừa kinh doanh cũng không quan tâm, tham gia các buổi tập huấn, phổ biến kiến thức PCCC, nhất là các phương án thoát nạn trong đám cháy do cảnh sát PCCC tổ chức. Do đó, hậu quả về người ở các vụ cháy nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh thường rất nghiêm trọng.
Để giảm thiểu những vụ cháy cũng như thiệt hại do các vụ cháy gây ra, Thượng Tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phụ trách Cảnh sát PCCC TPHCM cho rằng, người dân cần phải quan tâm đến công tác phòng cháy chữa cháy nơi mình sống như: Tìm hiểu thêm kiến thức về phòng cháy chữa cháy, tham gia công tác tập huấn chữa cháy, trang bị bình cứu hỏa mini…
Người dân hết sức chú ý và thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện trong gia đình, cũng như các vật dụng điện khác để đảm bảo an toàn khi sử dụng. Cần cẩn thận đến việc thắp hương, thờ cúng trong nhà, không để bàn thờ sát với những đồ vật dễ cháy.
Người dân phải có trách nhiệm với chung cư nơi mình sinh sống, cần bảo quản tốt các trang thiết bị chữa cháy đã được trang bị, nếu phát hiện hỏng hóc phải báo cho ba quản lý tòa nhà. Trong trường hợp có cháy, người dân cần giữ thái độ bình tĩnh, quan sát xem lửa đang cháy ở đâu, có ảnh hưởng tới mình hay không.
Trường hợp, lửa không đe dọa trực tiếp tới tính mạng thì người dân cứ đóng cửa ở trong phòng, rồi sử dụng băng dính chống cháy (chỉ vài chục nghìn) chăn ướt, khăn ướt…, chèn kín khe cửa, không để khói độc bay vào bên trong phòng, rồi gọi điện thoại báo cho lực lượng cứu nạn theo số 114.