Dự báo giá bất động sản sẽ đi ngang khi đại dịch được kiểm soát và tăng 15-20% trong 3 tháng sau đó.
Giá chung cư, nhà liền thổ chịu tác động của giá thép
Tại hội thảo trực tuyến "Giá nhà có giảm do Covid-19?" do tạp chí Forbes Việt Nam vừa tổ chức, đại diện đơn vị nghiên cứu thị trường, công ty môi giới và các chủ đầu tư đã có buổi thảo luận về biến động giá bất động sản trong bối cảnh giá thép tăng cao.
Giá chung cư, nhà liền thổ chịu tác động của giá thép
Ở góc độ chủ đầu tư, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty Phú Đông Group cho rằng có 5 loại chi phí tác động đến giá của một sản phẩm bất động sản, bao gồm chi phí về đất, chi phí xây dựng, chi phí tài chính của doanh nghiệp, chi phí quản lý doanh nghiệp và kỳ vọng lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong đó, chi phí sắt thép chiếm khoảng 15-20% được xếp vào nhóm chi phí xây dựng. Giá sắt thép tăng lên 50% buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá bán thêm 5-10%, thậm chí 15%. Trường hợp không điều chỉnh giá bán, chủ đầu tư phải chấp nhận giảm kỳ vọng lợi nhuận xuống.
"Việc giá thép tăng trong thời gian qua đã tạo nên rất nhiều khó khăn cho chủ đầu tư và cả các đơn vị xây dựng. Đây là vấn đề cực kỳ lớn của doanh nghiệp", đại diện Phú Đông Group nói.
Còn từ góc độ của nhà đầu tư, ông Trần Khánh Quang nêu quan điểm chủ đầu tư không nhất thiết tăng giá đối với chung cư khi giá thép tăng. Theo đó, trong điều kiện bình thường, trước khi có dịch Covid-19, chủ đầu tư thường đặt mục tiêu tỷ suất lợi nhuận khoảng 15% so với doanh thu. Với mức này, nếu giá thép tăng 50% thì chủ đầu tư điều chỉnh giá thêm 5-7% là hợp lý. Tuy nhiên hiện tại, nhiều chủ đầu tư đã đặt kỳ vọng về tỷ suất lợi nhuận lên gấp đôi, thậm chí gấp 3, có dự án lên đến 45% thì không nhất thiết phải tăng giá chung cư do tác động của giá thép. Ngược lại, người sở hữu nhà liền thổ hoàn toàn tính toán được các loại chi phí cấu thành nên có thể tăng giá bán do ảnh hưởng của giá thép.
Nguồn cầu vẫn cao, bất động sản có thể sắp có cơn sốt mới
Biến động giá chung cư gây ảnh hưởng đến khả năng sở hữu nhà của người lao động. Ảnh: Thủy Tiên
Trước biến động về giá bất động sản, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc CBRE Việt Nam nói nhu cầu về nhà ở vẫn ở mức cao. Với mức độ gia tăng dân số đô thị hiện tại, nguồn cung vẫn chưa theo kịp nhu cầu thực tế. Chẳng hạn ở TP HCM, dân số hiện tại khoảng 11-12 triệu người, bao gồm cả người lao động từ địa phương khác đến, song nguồn cung về căn hộ mỗi năm chỉ đạt 25.000-30.000 căn, đây là mức chênh lệch rất lớn. Thực tế cho thấy tỷ lệ hấp thụ của các sản phẩm trong đợt chào bán đầu tiên đạt trung bình 70-85, có dự án 90%.
"Giá nhà tăng chắc chắn gây ảnh hưởng đến khả năng sở hữu nhà nhưng tỷ lệ biến động này vẫn là thấp so với nhu cầu thị trường", ông Kiệt nói.
Phân tích về diễn biến thị trường trong thời gian tới, ông Trần Khánh Quang cho rằng với kịch bản Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh vào tháng 10 thì 3 tháng tiếp theo đó, thị trường bất động sản sẽ đi ngang. Sau giai đoạn này, thị trường sẽ ghi nhận một cơn sốt nhẹ kéo dài 3 tháng, giá bất động sản sẽ tăng từ 15-20% và giảm nhẹ trong 6 tháng tiếp theo.
Ông Ngô Quang Phúc đưa ra quan điểm những nhà đầu tư mua bất động sản hiện nay vẫn kỳ vọng sản phẩm sẽ tăng giá tốt. Trong bối cảnh dịch bệnh, các giao dịch tạm dừng nhưng chưa có tình trạng giảm giá bán. Nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính tốt vẫn đang chuẩn bị sẵn sàng để có thể mua các bất động sản chất lượng mà trước đây họ không có cơ hội tiếp cận.