“Siêu đô thị” 60 vạn dân
Mới đây, HĐND TP Hà Nội đã chính thức thông qua “siêu đô thị” vệ tinh Hòa Lạc với nghiên cứu khoảng 17.274 ha và quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 600.000 người. Theo ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, đây là đô thị khoa học công nghệ, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đô thị nghỉ dưỡng, sinh thái, tiết kiệm năng lượng.
Chức năng chính của đô thị Hòa Lạc là Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ cao của cả nước; Trung tâm Đại học quốc gia và cao đẳng dạy nghề khác; Trung tâm y tế khám, chữa bệnh, điều dưỡng. Giới chức trách cũng kỳ vọng đô thị Hòa Lạc sẽ là đô thị vệ tinh lớn của Hà Nội, có vai trò đặc biệt trong chiến lược phát triển của Thủ đô.
Nhiều quán nước nằm sát đường Láng Hòa Lạc cũng được tận dụng trở thành "văn phòng" môi giới bất động sản . Ảnh: CT
Bàn về chuyện Hà Nội xây dựng “siêu đô thị” 60 vạn dân ở Hòa Lạc, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, cần phải phân tích một cách nghiêm túc, thấu đáo xem tại sao các khu vực khác có sức hút như vậy mà các đô thị vệ tinh của Hà Nội lại không có. “Theo tôi, đã có quy hoạch, điều cần và quyết định chính là tổ chức thực hiện, xác định nguồn lực, xây dựng thể chế quản lý đồng bộ”, TS.Liêm nhấn mạnh.
TS Liêm đánh giá, sau 12 năm mà hình thành “siêu đô thị” 60 vạn dân là điều khó thực hiện được và phải cân nhắc kỹ lưỡng.
“Cò đất” liên tục “thổi giá”
Hàng loạt tấm biển thông tin nhà đất mọc lên quanh "siêu đô thị" vệ tinh Hòa Lạc.
Ngày 13/12, theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, tại một số xã thuộc các huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì (Hà Nội) đã xuất hiện dày đặc biển thông tin về đất đai. Mặc dù tiết trời lạnh giá kèm theo mưa phùn nhưng nhiều “cò đất” vẫn liên tục chào mời khi thấy có người quan tâm.
Có mặt tại khu đất cách mặt đại lộ Thăng Long khoảng 100m thuộc địa phận xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội, chúng tôi được một người đàn ông tên Tân xưng là nhân viên trung tâm môi giới nhà đất giới thiệu: “Hiện giá đất ở khu vực này chưa có biến động. Tuy nhiên, đây là mới là “thời cơ vàng” để đầu tư bất động sản. Vì sao? Vì hàng loạt các “ông lớn” như: Geleximco, Phú Bình, Vinaconex, Phú Thái, HUD, Posco E&C… sẽ đầu tư dự án tại “siêu đô thị” Hòa Lạc này”.
Anh Tân tư vấn, hãy nên chọn mua đất tại các xã Yên Bài (Ba Vì), Ngọc Liệp, Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa (Quốc Oai) hoặc xã Thạch Hòa, Bình Yên (Thạch Thất). Tại các xã này sau khi những “ông lớn” đầu tư dự án, người mua có thể thu được “một vốn bốn lời”.
Theo khảo sát của phóng viên, nếu như trước đây, giá đất ở khu vực này từ 1 đến 3 triệu đồng/m2 thì hiện nay đã được “thổi” lên gấp 4-5 lần. Đáng lưu ý, tại các xã Phú Cát, Thạch Hoà (Thạch Thất), khoảng 1 tháng nay, giá đất cũng được “thổi” lên từ 10 – 14 triệu đồng/m2.
“Khu công nghệ cao có địa thế đẹp, nằm ngay sát đường 21 đi Sơn Tây-Xuân Mai cuốn hút nhiều nhà đầu tư. Bạn có thể chọn mua những mảnh đất dưới 60m2 gần khu vực này, giá dao động 10 - 12 triệu đồng/m2, có mảnh giá mềm hơn khoảng 8-9 triệu đồng/m2. Đầu tư thời điểm này đón đầu dự án đô thị vệ tinh Hòa Lạc là quá hợp lý, không lo bị mất giá”, một “cò đất” khác tiếp thị.
Đi thêm vài cây số, chúng tôi ghé vào quán nước của ông Sơn, nằm ngay sát đường Láng - Hòa Lạc, kiêm công năng “văn phòng” môi giới bất động sản. Thấy khách ngỏ ý muốn mua đất, ông Sơn sai con chạy về nhà mang “bản đồ quy hoạch” của khu vực ra cho chúng tôi xem.
Đưa bút trên tấm bản đồ, người đàn ông này cho biết trong các dự án thuộc quy hoạch “siêu đô thị vệ tinh” sẽ có khu đô thị Đại học quốc gia liên hoàn thống nhất gồm 9 trường đại học thành viên, 4 trường THPT chuyên với quy mô hơn 41.000 sinh viên, học sinh. Chính vì thế bây giờ đầu tư khu vực này thì chỉ ít lâu nữa là sẽ “tấc đất tấc vàng”. Ông Sơn nói và giới thiệu những lô đất có diện tích từ 100 – 150 m2 phía trước mặt có giá dao động từ 20-22 triệu đồng/m2. Chủ quán nước cũng đưa ra “dự báo”, trong thời gian tới có thể lên đến 30 triệu đồng/m2 (?).
Cần tỉnh táo tránh rơi vào "bẫy" bất động sản
Nhận định về thị trường bất động sản khu vực dự án đô thị vệ tinh Hòa Lạc, chuyên gia kinh tế La Văn Thái cho rằng: "Những người làm môi giới, khi có cơ hội để trục lợi sẽ tận dụng và chính điều đó tạo ra các khu biệt thự "ma", thành phố hoang. Thị trường quyết định bởi bên mua chứ không phải bên bán. Khi giá đất bị đẩy lên cao là sự lừa lọc của những người môi giới. Người dân cần tỉnh táo tránh rơi vào "bẫy" bất động sản năm 2010 với cơn sốt đất ở Ba Vì".
"Cò" làm thị trường bất động sản thay đổi thất thường
Theo chia sẻ của người dân địa phương, giá đất tại khu vực Hòa Lạc đang bị môi giới đẩy lên quá cao so với thực tế. "Họ dựa vào thông tin "siêu dự án vệ tinh" để giới thiệu và "thổi" giá đất. Có những nhà đầu tư ôm một lúc cả chục lô đất, rao bán suốt thời gian dài nhưng giá cao nên không ai mua. Cái đáng ngại nhất là họ luôn trong tâm thế bán được thì bán, không thì để đó chờ tăng giá khiến thị trường bất động sản ở đây hết nóng lại nguội", một người dân có đất bán chia sẻ.