Peter Thiel và Elon Musk dường như luôn có nhiều điểm đối lập, nhưng 2 tỷ phú này lại là đối tác trong gần 20 năm qua. Hành trình khởi đầu khi họ kết hợp các công ty thanh toán trực tuyến Confinity và X vào năm 2000 để tạo ra PayPal. Kể từ đó, tài sản ròng của cả 2 đã tăng lên đáng kể, song hành với những nốt thăng trầm giữa 2 tỷ phú trẻ nổi bật nhất làng công nghệ.
Trong cuốn sách mới The Contrarian: Peter Thiel and Silicon Valley's Pursuit of Power (tạm dịch: Kẻ đối nghịch: Peter Thiel và Mưu cầu Quyền lực của Thung lũng Silicon), tác giả Max Chafkin đã tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử phức tạp của 2 người đàn ông ở 2 cực đối lập.
Peter Thiel và Elon Musk chụp ảnh chung cho một bài viết về PayPal. Ảnh: AP
Dưới đây là những thông tin trong cuốn sách, cung cấp cái nhìn tổng quan về mối quan hệ lâu dài nhưng thường xuyên rạn nứt của Elon Musk và Peter Thiel.
Từng là đối thủ cạnh tranh
Dù là những đồng sự lâu năm, về cơ bản 2 doanh nhân này lại là 2 cực đối lập. Elon Musk được coi là một người hướng ngoại, một kẻ đánh liều lập dị và Peter Thiel được biết đến như một người hướng nội thận trọng.
"Thiel có thể là kẻ giữ kẽ khôi hài ngay cả với những người bạn thân còn Musk lại không có khả năng kiểm soát bản thân. Trong khi Thiel có xu hướng nghĩ về việc hạn chế rủi ro thì Musk lại liên tục tiến gần đến việc phá sản", Chafkin viết.
Trước khi gặp nhau ở Thung lũng Silicon, 2 người đàn ông có điểm chung là đều ở Nam Phi thời bé. Musk sinh ra và lớn lên ở Nam Phi cho đến khi học đại học, còn gia đình Thiel cũng ở quốc gia đó trong vài năm khi ông còn nhỏ.
Ban đầu, Musk dự định lấy bằng tiến sĩ vật lý tại Stanford nhưng đã bỏ ngang để bắt đầu Zip2, một phiên bản trực tuyến của cuốn sách danh bạ Trang vàng.
Cùng thời điểm, Thiel theo học luật với mơ ước được làm việc tại Tòa án Tối cao. Nhưng cuối cùng, ông bị từ chối sau các cuộc phỏng vấn với các thẩm phán Anthony Kennedy và Antonin Scalia.
Elon Musk đang là một trong những tỷ phú có ảnh hưởng nhất thế giới. Ảnh: The Australian
Hai tỷ phú này, những người sáng lập ra các công ty cạnh tranh trong lĩnh vực thanh toán Confinity và X, rốt cuộc trở thành đối tác khi 2 công ty hợp nhất vì Thiel "sợ mất công ty". Khi Confinity thua lỗ đáng kể trong những năm đầu thành lập, Musk đã tìm cách can thiệp. Nhận ra đối thủ cạnh tranh có thể sẽ thỏa thuận với Yahoo, Musk đã thuyết phục Thiel để hợp nhất 2 công ty làm một. Ban đầu, công ty lấy tên X.com, nhưng rất nhiều người muốn cái tên PayPal, là sản phẩm nổi bật nhất của Confinity trước đó.
Mặc dù Musk trở thành CEO, Thiel đã tìm cách đặt những người thân tín trung thành (các thành viên của nhóm gọi là "Paypal Mafia") ở những vị trí lãnh đạo.
Ngay sau khi Confinity và X sáp nhập, Musk và Thiel đã lên đường đến một cuộc họp với các nhà đầu tư. Trên chuyến đi, Musk nhấn ga, cố gắng thể hiện khả năng tăng tốc của chiếc xe và cuối cùng khiến cả 2 gặp tai nạn. Thiel không hề vui và coi đối tác kinh doanh của mình là "liều lĩnh".
"Trải nghiệm này khiến Thiel run sợ, sau đó nhìn nhận Musk là một người không biết sợ; Musk coi Thiel là một gã quản lý tiền, chủ yếu quan tâm đến công nghệ như một phương tiện để kiếm lợi", tác giả Chafkin viết trong cuốn sách.
Nguyên nhân khiến 2 tỷ phú suýt từ mặt nhau
Thời điểm Musk và vợ dành 2 tuần cho kỳ nghỉ trăng mật vào tháng 9/2000, nhiều nhân sự cấp cao tại X.com đe dọa sẽ nghỉ việc nếu hội đồng quản trị không chấp nhận để Thiel trở thành CEO. Công ty đã gặp nhiều vấn đề kỹ thuật sau khi sáp nhập, và Musk dường như không thể khắc phục chúng.
Khi Musk quay về, hội đồng quản trị đã quyết định thay thế ông bằng Thiel. Gần một năm sau, Thiel đổi tên công ty thành PayPal. Musk trở thành cố vấn và cổ đông lớn nhất của PayPal, và thu về 180 triệu USD sau thuế khi eBay mua lại PayPal vào năm 2002.
Musk nói với Chafkin rằng sau đó ông đã quyết định tha thứ cho Thiel. Dù vậy, tỷ phú cũng ngụ ý mình sẽ không thể hoàn toàn tin tưởng người đồng hành này thêm một lần nào nữa.
Không chỉ là cộng sự, nhà đầu tư, Peter Thiel là kẻ đối nghịch tư tưởng với Elon Musk. Ảnh: CNBC
Vào năm 2020, công ty ôtô điện Tesla Motors của Musk có giá trị hơn 800 tỷ USD. Tuy nhiên khi mới bắt đầu, doanh nhân này đã rất vất vả đề biến đây trở thành một dự án thành công.
Tìm đến người bạn lâu năm Thiel, Musk không nhận được khoản tiền nào ngoại từ lời từ chối đầu tư. Theo Musk, lý do Thiel từ chối là ông không tin vào biến đổi khí hậu, một trong những lý do chính để phát triển xe điện.
Musk không phải là người thích nhận sự từ chối, và ông coi đây là điều đã làm xấu đi mối quan hệ vốn đã căng thẳng của 2 bên.
Mặc dù mối quan hệ của cả 2 rạn nứt sau cuộc lật đổ ở PayPal và lời từ chối đầu tư vào Tesla, Thiel vẫn ủng hộ Musk trong một dự án khác.
Dù là miễn cưỡng, doanh nhân này cũng đã rót tiền vào công ty hàng không vũ trụ SpaceX trong giai đoạn đầu thành lập. Khoản đầu tư 20 triệu USD của ông giúp công ty tiếp tục trụ vững sau vụ phóng tên lửa thất bại lần thứ ba vào năm 2008. Sau đó chỉ một tháng, SpaceX đã thành công chạm tới quỹ đạo, thành công đầu tiên của công ty.