Theo số liệu do Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Mỹ (RIAA) công bố, doanh số bán đĩa CD tại nước này trong năm 2021 đạt 46,6 triệu chiếc, tăng cao so với con số 31,6 triệu của năm trước đó. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2004, doanh số đĩa CD tăng trở lại.
Doanh thu của mặt hàng này cũng tăng từ 483,2 triệu USD lên 584,2 triệu USD sau một năm. Các số liệu của RIAA phù hợp với báo cáo tương tự được hệ thống thu thập dữ liệu MRC Data công bố vào đầu năm nay.
Lần đầu tiên sau gần 20 năm, doanh số đĩa CD tăng trở lại. Ảnh: RIAA.
Con số này vẫn kém xa so với thời kỳ đỉnh cao vào năm 2000, khi mỗi năm có gần 1 tỷ CD được bán ra tại Mỹ. Tuy nhiên, tỷ lệ gia tăng đáng kể so với trước đó một năm đánh dấu sự hồi sinh của hình thức âm nhạc truyền thống.
Doanh số bán đĩa vinyl tăng đều đặn trong hơn 15 năm qua và đạt 39,7 triệu chiếc ở Mỹ vào năm 2021, mang lại doanh thu 1 tỷ USD. Tính tổng cộng, doanh số đĩa nhạc vật lý truyền thống nói chung lần đầu tiên tăng trưởng kể từ năm 1996. Trong khi đó, hình thức phát trực tuyến vẫn tiếp tục dẫn đầu thị trường năm qua.
Doanh thu từ thuê bao trực tuyến trong năm 2021 đạt 8,6 tỷ USD, chiếm 57,2%, theo thống kê của RIAA. Đĩa CD và vinyl chiếm chưa đến 11%.
Theo The Verge, rất khó dự đoán về sự hồi sinh của đĩa CD trong giai đoạn tiếp theo. Hình thức lưu trữ này mang đến trải nghiệm ấn tượng khi giải trí tại nhà nhưng lại thiếu tính di động. Riêng với đĩa vinyl, âm thanh mà nó mang lại khác biệt rất nhiều so với nhạc kỹ thuật số hay CD.
Về cơ bản, đĩa CD chỉ là phương tiện lưu trữ nhạc kỹ thuật số chất lượng cao, tương tự nhạc lossless của Apple Music hay Amazon Music. Tuy nhiên, cảm giác cầm một vật thể đẹp trên tay, kèm theo ảnh bìa album và được toàn quyền sở hữu là điều mà dịch vụ âm nhạc trực tuyến không thể mang lại.
Ngoài ra, sở hữu đĩa CD vật lý cũng cho người hâm mộ cảm giác ủng hộ trực tiếp nghệ sỹ thần tượng của họ, thay vì trả tiền cho dịch vụ phát trực tuyến. Đây là một phần lý do nhiều người vẫn mua đĩa CD.