Ảnh minh họa.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố báo cáo tình hình thu hút đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay. Theo báo cáo này, tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, có 1.797 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT), giảm 25,3% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt 9,73 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư tăng chủ yếu vẫn là do dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp GCNĐKĐT mới với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 41,1% tổng vốn đăng ký mới.
Tình hình đầu tư nước ngoài 8 tháng năm 2018-2020.
Về vốn điều chỉnh, có 718 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 20,9% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 4,87 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ.
Vốn điều chỉnh trong 8 tháng tăng do có Dự án tổ hợp hoá dầu Miền Nam Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Thái Lan) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD và dự án Khu Trung tâm đô thị tây hồ Tây (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 774 triệu USD.
Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 4.804 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN, giảm 8,2% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp 4,93 tỷ USD, bằng 51,8% so với cùng kỳ. Cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019, từ gần 42% trong 8 tháng năm 2019 xuống 25,2% trong 8 tháng năm 2020.
Đáng chú ý, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực; trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 9,3 tỷ USD, chiếm 47,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ USD, chiếm 20,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản , bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký gần 2,87 tỷ USD và 1,21 tỷ USD. Còn lại là các lĩnh vực khác.
Như vậy, sau nhiều tháng giữ vị trí số 2 sau lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo, hoạt động kinh doanh bất động sản đã bị tụt hạng trong thu hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài.
Trước đó, theo số liệu tổng hợp, lũy kế đến tháng 5/2020, vốn FDI đầu tư hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 58,32 tỷ USD, chiếm 15,49% tổng vốn FDI, chỉ đứng sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Hiện Hà Nội và TP HCM là 2 khu vực có thị trường bất động sản (BĐS) phát triển sôi động nhất cả nước. Nhiều doanh nghiệp ngoại đã tham gia các dự án với cơ cấu sản phẩm quy mô và đa dạng, bao gồm khu đô thị, căn hộ, nhà liền đất, sàn thương mại - bán lẻ, văn phòng… Một số tên tuổi có thể kể đến như Phú Mỹ Hưng, Gamuda, Capital Land, Hongkong Land, Lotte, Keangnam, Sumitomo…