Bom Kim, người sáng lập, CEO của Coupang - Ảnh: CNBC
Đối với nhiều người, tấm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh Đại học Harvard là bước đi quan trọng trên hành trình trở thành một doanh nhân.
Tuy nhiên, với Bom Kim, bước đi này diễn ra nhanh hơn. Chỉ sau 6 tháng theo học tại trường này, ông đã bỏ dở để khởi nghiệp kinh doanh. Giờ đây, sau chưa đầy 10 năm, Kim đã trở thành tỷ phú, đứng sau startup giá trị nhất tại Hàn Quốc.
"Khi ở trường đại học, tôi tin rằng mình có ít cơ hội để thực sự làm thứ gì đó thực sự có sức ảnh hưởng", Kim chia sẻ với CNBC Make It.
"Amazon Hàn Quốc"
Kim là người sáng lập, CEO của Coupang, startup thương mại điện tử được định giá 9 tỷ USD và được mệnh danh là "Amazon Hàn Quốc".
Ông thành lập Coupang tại Seoul vào năm 2010 khi nhận thấy cơ hội trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển. Hiện tại, công ty này đã có lượng khách hàng bằng một nửa dân số Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong một chia sẻ mới đây với CNBC, tỷ phú 40 tuổi này cho biết, khi thành lập Coupang, mục tiêu của ông không phải là trở thành Jeff Bezos (người sáng lập Amazon) tiếp theo.
Trên thực tế, khi được thành lập vào năm 2010, Coupang là nền tảng kinh doanh giảm giá hàng ngày kiểu Groupon. Tuy nhiên, khi Kim nhận thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử, ông nhanh chóng chuyển đổi Coupang trở thành sàn mua bán trực tuyến dành cho bên thứ ba, lấy cảm hứng từ eBay.
"Hình thức kinh doanh, mô hình kinh doanh của Coupang, hay hoạt động của Coupang hiện tại đã trải qua rất nhiều thay đổi", Kim nói.
Ông cho biết, chỉ trong 3 năm, công ty đã vượt 1 tỷ USD doanh thu và bước đầu chuẩn bị lên sàn. Tuy nhiên, vào phút cuối, Kim đã hoãn kế hoạch lên sàn và nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh doanh mà ông cho rằng có thể làm nên điều gì đó tốt hơn.
"Chúng tôi đã hỏi bản thân: 'Liệu công ty mà chúng tôi xây dựng, dịch vụ và trải nghiệm mà chúng tôi đang cung cấp... có tạo ra một thế giới mà ở đó khách hàng yêu quý của chúng tôi thấy ấn tượng?", Kim nói. "Thực tế là không".
Làm lại từ đầu
Sau đó, Kim quyết định làm lại từ đầu, biến Coupang trở thành một nền tảng mua sắm trực tiếp, được thiết kế để mang đến trải nghiệm mua hàng liền mạch từ máy tính cho tới tận cửa nhà cho khách hàng.
Với kế hoạch này, Coupang thành lập công ty giao hàng riêng Rocket Delivery nhằm "làm hài lòng" khách hàng và cải thiện hệ thống bưu điện rời rạc của Hàn Quốc khi đó.
"Những mô hình chúng tôi thấy lý ấy chủ yếu giống với Amazon. Thời điểm đó, chúng tôi thực sự ganh tị với họ", Kim chia sẻ.
Vài năm gần đây, thị trường thương mại điện tử của Hàn Quốc phát triển nhanh chóng, được dự báo trở thành thị trường lớn thứ 5 thế giới, sau Trung Quốc, Mỹ, Anh và Nhật, trong năm nay. Cùng với đó, giờ làm việc dài cùng với các thành phố với mật độ dân số dày đặc là điều kiện chín muồi để phát triển dịch vụ giao hàng theo yêu cầu tại nước này.
Hiện tại, Coupang có hơn 5.000 nhân viên giao hàng, được gọi là Coupangmen, vận chuyển đơn hàng của khách trong vòng 24h. Dịch vụ giao hàng Dawn mới của công ty này thậm chí có thể vượt qua cả Amazon Prime, hoàn thiện các đơn hàng đặt trước 7h sáng ngay trong ngày.
Kim tin rằng mức độ chi tiết của dịch vụ giúp công ty của ông nổi bật trên thị trường thương mại điện tử cạnh tranh gay gắt tại Hàn Quốc. Năm ngoái, Coupang vượt qua các tên tuổi nội địa khác như Gmarket và 11Street, trở thành hãng bán lẻ trực tuyến được ưa thích của người tiêu dùng tại nước này. Hiện Amazon chưa có mặt ở Hàn Quốc.
"Chúng tôi đã phải tự xây dựng toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển công nghệ để kết nối tất cả, từ con số không", Kim nói.
Thành công của Coupang cũng khiến các nhà đầu tư ấn tượng. Tính tới tháng 11/2018, Coupang đã nhận được tổng cộng 3,6 tỷ USD vốn đầu tư từ các công ty như Softbank, Sequoia Capital và BlackRock. Công ty này hiện được định giá 9 tỷ USD, là startup giá trị nhất Hàn Quốc, theo Forbes. Theo đó, Kim cũng trở thành tỷ phú.
Kim cho biết Coupang mới đây đã vượt mốc doanh thu 10 tỷ USD. Công ty dự kiến dùng tiền huy động được để mở rộng hoạt động tại nội địa, trước khi phát triển ra thị trường quốc tế.