Dư luận xã hội từ nhiều năm nay vẫn đang xôn xao, nóng sốt về những vụ "đại án hình sự" với số tiền thiệt hại, thất thoát lên đến hàng ngàn tỷ đồng, với các bi cáo là những chức sắc cao cấp trong các tổ chức, cơ quan nhà nước, với quy mô phạm tội trải dài trên nhiều tỉnh, thành…
Nhưng có một vụ việc không phải hình sự vẫn thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận xã hội từ khi được TAND thành phố Hồ Chí Minh thụ lý giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự và đặc biệt là nổi lên trong những ngày mở phiên tòa xét xử sơ thẩm rồi tạm ngừng để xác minh thêm chứng cứ và sẽ xử tiếp vào ngày 27-3 sắp tới.
Đó là vụ ly hôn và tranh chấp tài sản giữa vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Ảnh: Internet.
Chỉ là một vụ ly hôn và tranh chấp tài sản bình thường như bao vụ ly hôn khác, mà sao dư luận lại nóng lên với các ý kiến khác nhau, thậm chí đối lập nhau đến thế?
Dư luận quan tâm vì chủ thể cuộc tranh chấp gắn liền với tên tuổi của một đại gia có danh hiệu "Vua cà phê Việt" và người vợ từng gắn bó, chia sẻ với ông bao nhiêu khó khăn từ thuở hàn vi ban đầu, cùng tình cảm và khát vọng kinh doanh suốt gần hai mươi năm trời, nay bỗng "tan đàn xẻ nghé", nguyên cớ vì đâu ?
Dư luận quan tâm còn vì tài sản tranh chấp của họ có giá trị lên tới gần 10.000 tỷ đồng dưới nhiều hình thức vật chất, trong đó có các khoản cổ phần của 7 công ty trong tổ chức kinh doanh mang tên Tập đoàn Trung Nguyên với thương hiệu Cà phê Trung Nguyên nổi tiếng trong nước và trên thế giới.
Tính chất đặc biệt của vụ ly hôn này không nằm ở chỗ họ thuận tình ly hôn hay ly hôn do một bên để có đủ bên nguyên bên bị, cũng không nằm ở chỗ tranh chấp quyền nuôi con và trợ cấp nuôi con mà chính là việc phân chia tài sản là các cổ phần là tài sản chung trong Tập đoàn Trung Nguyên. Việc phân chia tài sản này sẽ kéo theo hậu quả vô cùng quan trọng:
Hoặc Trung Nguyên tồn tại và phát triển, nâng tầm, vươn xa theo đúng khát vọng và triết lý kinh doanh mới của người chủ nó là ông "Vua Cà phê Việt" Đặng Lê Nguyên Vũ; hoặc là Trung Nguyên tồn tại trong một cơ thể ốm yếu, một mớ bùng nhùng đầy mâu thuẫn, chia rẽ, rồi cuối cùng đổ sập trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của cơ chế thị trường.
Nếu trường hợp thứ hai xảy ra thì thương hiệu Trung Nguyên sẽ ra sao ? Số phận của Tập đoàn Trung Nguyên với hơn 5000 người lao động bao nhiêu năm gắn bó, hy vọng với người chủ của mình sẽ ra sao?
Và đằng sau đó là nỗi băn khoăn lo lắng của những người nông dân trồng cà phê suốt hai mươi năm từng một lòng cung cấp nguyên liệu cho Tập đoàn Trung Nguyên với niềm tin yêu, hy vọng và rất đỗi tự hào rằng mình đã góp môt phần bé nhỏ để cùng người chủ của nó làm nên Thương hiệu Trung Nguyên nổi tiếng một thời!
Người viết bài này đã có dịp trò chuyện với luật sư Phan Trung Hoài (bảo vệ quyền lợi cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo) và luật sư Nguyễn Minh Tâm (bảo vệ quyền lợi cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ). Hai luật sư đều mang nặng tâm tư nuối tiếc cho vụ ly hôn của vợ chồng ông "Vua cà phê Việt" và lo lắng cho số phận của Tập đoàn Trung Nguyên.
Từ sự đồng cảm ấy, hai luật sư đã cố gắng hết mình cùng nhau bàn bạc tìm những giải pháp có thể hòa giải đoàn tụ giữa hai vợ chồng ông Vũ bà Thảo. Các bản dự thảo thỏa thuận được hai ông bàn bạc xây dựng, đưa ra nhưng đều không được thân chủ của mình chấp nhận và cuối cùng, các luật sư rơi vào cảnh "lực bất tòng tâm", đành ra tòa thực hiện trách nhiệm luật sư của mình, chờ đợi sự phán quyết công tâm của tòa án.
Theo dõi thông tin trên báo chí với nhiều ý kiến bình luận khác nhau về các tình tiết xảy ra tại phiên tòa, người viết bài này thấy hình như hầu hết chưa có bài báo nào nói được nỗi lo lắng của mọi người về số phận của thương hiệu Trung Nguyên sau kết quả vụ án ly hôn. Hình ảnh vợ chồng ông Vũ bà Thảo hiện lên giữa phiên tòa trong cuộc tranh luận nảy lửa khiến những người có lương tri mang một cảm giác nuối tiếc và đau lòng.
Ông Vũ nổi tiếng với câu nói "Tiền nhiều để làm gì", "Qua không cần tiền", nhưng lại yêu cầu tòa án chia tài sản cho ông theo tỷ lệ 7/3, đã khiến một số người đặt câu hỏi về sự mâu thuẫn ấy của ông. Lời ông Vũ cho rằng bà Thảo chỉ cần tiền và quyền nên tìm mọi cách để giành cái quyền quản lý Trung Nguyên và khuyên bà Thảo "đừng giành lấy cái không phải của mình".
Những tình tiết ấy đã khiến cho các nhà báo và mạng xã hội tốn bao công sức khai thác, bình luận. Những lời tố cáo ông Vũ và cố chứng minh mình là nạn nhân của chồng từ phía bà Thảo, cuối cùng cũng chỉ là những lời nói đơn phương của bà mà không có một chứng cứ xác thực nào.
Sự thật của những lời ấy ra sao chỉ có người trong cuộc mới biết. Vị thẩm phán tại phiên tòa với những lời động viên bà Thảo hãy quay về với phận sự của một người vợ, quản lý tiền bạc, chăm sóc con cái… hưởng cái hạnh phúc làm một "bà Hoàng" trong gia đình để giúp chồng thực hiện khát vọng phát triển Trung Nguyên… cũng nhận được nhiều ý kiến chê bai rằng ông đã có ý thiên vị, không tôn trọng nguyên tắc về quyền "bình đẳng nam nữ" trong Luật hôn nhân…
Người viết bài này cố gắng theo dõi ý kiến pháp lý của các luật sư bảo vệ quyền lợi cho cả hai bên và thấy bên nào cũng cố gắng chứng minh cho cái lý của mình. Điều đọng lại trong các ý kiến đó là cảm xúc của người viết khi luật sư Nguyễn Minh Tâm, trong lời phát biểu của mình, đã nói đến cái "điểm nghẽn" trong sự phát triển đi lên của Trung Nguyên. Ông viện dẫn câu tục ngữ "Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn" để nói về sự phát triển kỳ diệu của Trung Nguyên trong suốt hai mươi năm qua và thực sự tiếc nuối về sự "đồng thuận ấy" đến nay đã không còn nữa!
Cái "điểm nghẽn" ấy bây giờ chính là mâu thuẫn trầm trọng giữa vợ chồng, không thể hàn gắn được để đến nỗi "đường ai nấy đi" thì liệu bà Thảo có còn "sự đồng thuận" nào trong việc kề vai sát cánh cùng tâm ý trên con đường phát triển Trung Nguyên theo khát vọng của ông Đặng Lê Nguyên Vũ sau khi đã ly hôn?
Có thể những khát vọng phát triển Trung Nguyên trong triết lý kinh doanh mới của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã bị ai đó cho là hoang đường, khó có thể tin được. Nhưng nếu nhìn lại lịch sử khởi đầu của Đặng Lê Nguyên Vũ cách đây 20 năm, một chàng sinh viên 25 tuổi, đang học Đại học y khoa lại dám bỏ học để đến với cà phê bằng hai bàn tay trắng, xin ba mẹ bán hai căn nhà làm vốn để dấn thân với lời tuyên bố cùng bạn bè khuyên can rằng "chỉ sau sáu tháng sẽ có một Trung Nguyên bằng 20 năm".
Vào thời điểm đó liệu đã có mấy ai tin được lời của ông Vũ, thậm chí còn cho là hoang tưởng? Vậy mà 20 năm sau, lời tuyên bố ấy đã thành sự thật. Chàng trai đó đã trở thành ông "Vua cà phê Việt" nổi tiếng toàn cầu. Vậy thì có lẽ nào bây giờ lại không thể rộng lượng bỏ qua một "sự vô lý" trong quan niệm thông thường của người đời, dành cho Đặng Lê Nguyên Vũ một thời gian trong tương lai để thực hiện mơ ước cháy bỏng của mình phát triển Trung Nguyên như khát vọng cách đây 20 năm Vũ đã thực hiện thành công !
Không phải ngẫu nhiên mà ông Vũ và các luật sư của ông đã cố gắng chứng minh yêu cầu Tòa án cho ông được nhận lại toàn bộ số cổ phần của bà Thảo và hoàn trả lại bà Thảo giá trị của toàn bộ cổ phần ấy để ông có đủ điều kiện thực hiện khát vọng trong triết lý kinh doanh mới phát triển Trung Nguyên, cũng là để tạo điều kiện bà Thảo rảnh tay xây dựng và phát triển thương hiệu King Coffee đã có của riêng mình.
Vụ án hôn nhân của cặp vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ – Lê Hoàng Diệp Thảo cũng phải được kết thúc bằng một bản án. Họ sẽ được tòa án công nhận việc ly hôn vì cả hai đã thuận tình. Nhưng đằng sau cuộc ly hôn này là số phận của cả một thương hiệu.