Dưới đây chia sẻ của chị Oanh:
Hai vợ chồng tôi bằng tuổi, đã có một bé trai 3 tuổi sau 4 năm cưới nhau. Năm 2015, sau khi bán đất ở quê, bố mẹ cho chúng tôi 500 triệu. Từ đó, chúng tôi lên kế hoạch tiết kiệm để mua nhà. Lúc đó, chúng tôi chỉ có khoảng 50 triệu tiền tiết kiệm từ sau khi cưới. Chúng tôi tính khi nào có khoảng 1 tỷ sẽ vay thêm ngân hàng để một căn hộ 1,5 tỷ hoặc một cái nhà đất trong khoảng tiền đó. Chúng tôi không chắc có thể trả nợ được hay không nếu vay ngay bây giờ.
Mỗi tháng, thu nhập cố định của 2 vợ chồng tôi được khoảng 30 triệu. Tiền thuê hàng tháng một căn hộ chung cư ở quận Gò Vấp là 5,5 triệu, tiền sữa, tiền học cho con khoảng 4 triệu/tháng. Mỗi tháng sau khi nhận lương, tôi nhờ phía ngân hàng tự động trừ 5 triệu để cho vào tài khoản tiết kiệm. Thông thường, số tiền còn lại sẽ được tiêu hết.
Nhưng do sử dụng thẻ tín dụng tiêu trước trả sau nên nhiều tháng tôi chi quá thu. Thấy không thể tiết kiệm được 1 tỷ nên vợ chồng tôi mang 500 triệu đi góp vốn đầu tư với người quen, lúc thì góp để bạn nhập hàng kinh doanh, lúc thì mua chung một cái nhà rồi bán kiếm lời. Sau mỗi lần gố vốn đó, chúng tôi cũng thu được ít lãi, cao hơn hẳn so với gửi ngân hàng.
Vì ham hàng khuyến mại, giá rẻ nên vợ chồng chị Oanh mãi không mua được nhà. Ảnh minh họa
Tính ra, sau 3 lần góp vốn trong 2 năm qua, chúng tôi cũng thu được 120 triệu. Nhưng đến bây giờ, quỹ mua nhà mới có hơn 520 triệu. Thực ra nếu không có mấy khoản mua sắm đột xuất, chúng tôi cũng có 50+500+120+ tiền lãi ngân hàng khoản tiền này cùng 5 triệu x 24 tháng, cũng phải được 800 triệu.
Như chuyến du lịch Singapore vừa rồi, dù không hề có kế hoạch trước, nhưng đến khi đứa bạn bán vé máy bay nói vé khứ hồi Sài Gòn - Singapore chỉ còn 1,5 triệu đồng. Bình thường, tôi bay giá rẻ từ Sài Gòn - Hà Nội mỗi lượt cũng đã 1 triệu đồng.
Dù tôi đã đi Singapore rồi nhưng vì thấy giá quá rẻ nên tôi nhờ bạn đặt vé cho cả gia đình. Mấy tháng sau thì chúng tôi lên đường đi du lịch. Lúc mua vé hý hửng bao nhiêu thì khi về, tôi lại buồn bấy nhiêu vì tổng chi phí cao hơn khá nhiều so với dự kiến của tôi. Trong 3 ngày, chúng tôi tốn gần 30 triệu. Đúng là một năm chỉ vài lần săn hàng giảm giá thế này là chúng tôi không thể mua được nhà.
Sau nhiều lần mua hàng sale hay săn voucher giảm giá, tôi thấy rẻ mà hóa đắt. Tôi có voucher 2 triệu đồng làm đẹp nhưng vẫn phải trả thêm 5 triệu khi thanh toán, dù chỉ massage, đắp mặt nạ. Hay như những lần săn được vé máy bay rẻ, đặt khách sạn rẻ nhưng tổng tiền ăn, vé vui chơi và mua quà cũng không hề nhỏ.
Trước đây, khi mua hàng, tôi rất thích mua những sản phẩm có kèm hàng khuyến mại đến mức khi đi siêu thị, con trai luôn bảo tôi kiểu như mẹ đừng lấy lọ dầu gội đầu xanh này, lấy lọ trắng còn được tặng khăn mặt... Giờ đây tôi đã hạn chế mua hàng có khuyến mại kèm theo vì nhiều đồ như bát đĩa, cốc chén... tôi không dùng đến, bỏ đi thì tiếc, để lại thì chật bếp. Nhưng với món quà mà tôi chưa có, tôi vẫn dễ bị dụ dỗ.
Chồng tôi tháng trước cũng vì ham phần quà là một cái quạt và phiếu giảm giá 1 triệu đồng mà mua ngay một chiếc tivi 42 inch giá mười mấy triệu, trong khi chiếc tivi cũ vẫn xem tốt. Mà gia đình tôi cũng chỉ thỉnh thoảng mới xem tivi phần vì không có thời gian và phần vì giải trí bằng điện thoại tiện hơn.
Hôm qua, xem lại kế hoạch mua nhà, hai vợ chồng thấy đã chi tiêu cho quá nhiều thứ không đáng cũng chỉ bởi tiếc khuyến mại giảm giá. Thật buồn cười là chúng tôi phải bỏ thêm tiền để mua nhưng nếu không mua được hàng khuyến mại, không sử dụng voucher giảm giá thì cứ tiếc như bị mất tiền.
Công tác tại một công ty nghiên cứu về thị trường, Thạc sĩ chuyên ngành Marketing Dương Thu Trang cho biết, những chương trình khuyến mại có nhiều hình thức như tặng voucher, giảm giá, mua một tặng một... Tuy nhiên, những hình thức này đều nhằm đẩy hàng tồn và tăng doanh thu bán hàng. Đây cũng là cách để tăng khả năng cạnh tranh của các thương hiệu khi đánh vào lòng tham của con người.
Còn theo chuyên gia tài chính cá nhân người Mỹ Ric Edelman, Chủ tịch hãng tư vấn tài chính cá nhân Edelman Financial Services, sử dụng voucher, mua hàng sale không phải là cách sử dụng tiền của người thông minh do đó thường là món hàng mà bạn không thực sự cần. Ông đưa ra lời khuyên, trước khi mua hàng sale, bạn nên suy nghĩ xem, nếu món hàng đó không được khuyến mại, giảm giá thì bạn còn cần không.