Không chỉ thành công ở lĩnh vực cốt lõi là mua sắm trực tuyến nhờ nhu cầu ngày càng tăng, công ty cũng đạt được thành tựu không nhỏ trong lĩnh vực điện toán đám mây, rồi mở rộng giải trí và quảng cáo. Với sự lớn mạnh về quyền lực và tham vọng của Amazon, công ty tuyển dụng một lượng nhân viên khổng lồ, đặt dấu chân trên khắp nước Mỹ.
Bắt đầu từ thứ Hai (5/7), khi nhường vai trò CEO cho Andy Jassy để trở thành chủ tịch điều hành, tỷ phú Jeff Bezos sẽ bước vào cuộc sống mới, dành nhiều thời gian hơn để khám phá vũ trụ, làm từ thiện, mua bất động sản và du thuyền.
Kinh doanh nhiều lĩnh vực
Theo công ty nghiên cứu eMarketer, Amazon thống trị mảng bán lẻ trực tuyến, chiếm khoảng 41% tổng doanh số bán hàng trực tuyến của Mỹ. Nhưng công ty cũng đã đi tiên phong trong các dịch vụ điện toán đám mây và là một thế lực trong ngành quảng cáo, nơi đang cạnh tranh với các ông lớn như Google và Facebook.
Trong những năm gần đây, Amazon đã thâm nhập sâu hơn vào cuộc sống hàng ngày của người Mỹ thông qua các dịch vụ phát trực tuyến và thiết bị thông minh. Những mảng kinh doanh này vẫn duy trì vị thế tốt ngay cả khi chịu sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Trợ lý Alexa và các thiết bị phát trực tuyến Fire TV của hãng thường xuyên xếp hạng cáo trong số các mặt hàng bán chạy nhất, một phần nhờ vào các chương trình giảm giá thường xuyên.
Tuyển dụng quy mô lớn
Amazon liên tục tuyển người và nhu cầu gia tăng lao động dường như là vô tận. Công ty đã bổ sung hơn 500.000 nhân viên trên toàn thế giới vào năm 2020 và có thể trong những năm tới sẽ vượt qua Walmart để trở thành nhà tuyển dụng lớn nhất tại Mỹ. Nhu cầu tuyển dụng lớn của họ là do việc mở rộng kho hàng trên khắp nước Mỹ, nhằm nỗ lực giao hàng ngày càng nhanh hơn.
Công ty cũng ồ ạt tuyển thêm những nhân viên làm việc chuyên môn, trình độ cao. Vào tháng 1, họ bổ sung khoảng 3.000 nhân viên ở Boston để phục vụ mở rộng các công việc về công nghệ ở các thành phố lớn. Đến tháng 6, công ty tuyển thêm 800 người làm việc cho Amazon Web Services ở Redmond, Washington. Hiện gã khổng lồ này có khoảng 130.000 nhân viên khối văn phòng trong tổng số 950.000 nhân viên ở Mỹ.
Thành công ở Hollywood
Amazon tham gia vào ngành công nghiệp điện ảnh vào năm 2010 thông qua việc ra mắt Amazon Studios. Hiện họ là nhà sản xuất và phân phối phim điện ảnh và phim truyền hình dài tập có tiếng. Amazon đã đầu tư nhiều hơn vào bộ phận này trong những năm gần đây.
Một số tựa phim thành công nhất của Amazon bao gồm "The Marvelous Mrs. Maisel", series phim về một bà nội trợ trở thành một diễn viên hài trong những năm 1950. Series đã phát sóng ba mùa và trở thành một trong những tựa phim nổi tiếng nhất của Amazon. Nó đã giành được nhiều giải thưởng như Quả cầu vàng, Emmy và những giải thưởng khác.
Năm nay, bộ phim năm 2020 "Sound of Metal" kể về một tay trống bắt đầu mất thính giác đã giành được hai chiến thắng Oscar, bổ sung thêm bộ sưu tập Oscar của Amazon Studios với trước đó là tác phẩm "Manchester by the Sea" năm 2016.
Những đầu tư khác
Tỷ phú Bezos dự kiến bay vào vũ trụ vào ngày 20/7. Bên cạnh không gian, ông đang dần chuyển sang cuộc sống hậu CEO thoải mái hơn, bao gồm hoạt động từ thiện tập trung vào khí hậu và tiếp xúc những người nổi tiếng. Ông Bezos đứng đầu danh sách những người giàu nhất thế giới, với tài sản khoảng 200 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Vào tháng 2/2020, Bezos tuyên bố ông cam kết quyên 10 tỷ USD để chống lại biến đổi khí hậu thông qua sáng kiến Quỹ Trái đất Bezos mới của mình. Khoản tài trợ 791 triệu USD đầu tiên được giải ngân vào tháng 11/2020.
Ngoài bất động sản, ông bán một tỷ USD cổ phiếu Amazon mỗi năm để tài trợ cho Blue Origin. Nhiều năm trước, ông đã trao ít nhất 42 triệu USD để tài trợ cho Long Now Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận đã thiết kế chiếc đồng hồ có thể hoạt động 10.000 năm được lắp đặt sâu bên trong một ngọn núi ở Tây Texas.
Bezos cũng sở hữu ít nhất một máy bay phản lực Gulfstream G650ER, loại có tầm bay 7.500 hải lý và có thể chở tối đa 19 người. Ông gần đây đã mua một chiếc du thuyền dài gần 140 có sân đỗ trực thăng.
Ông chủ Amazon vẫn dùng bàn tự chế suốt 30 năm
Hình ảnh Bezos dùng chiếc bàn cũ được vị hôn thê của ông, Lauren Sanchez, đăng trên trang Instagram cá nhân hôm 29/1. Sanchez cho biết cô chụp khi vô tình bước vào phòng và thấy nhà sáng lập Amazon đang làm việc.
"Tôi rất vui vì anh ấy vẫn đang làm trên một trong những chiếc bàn có từ những ngày đầu", Sanchez viết, kèm hình ảnh Jeff Bezos trong giai đoạn đầu tạo nên Amazon để so sánh.
Trong hai bức hình, tỷ phú ngồi làm bên chiếc bàn lớn với những chi tiết chắp vá. Loại bàn này còn được gọi là "bàn cánh cửa", do mặt bàn vốn là một tấm gỗ được thiết kế để làm cánh cửa, nhưng gắn thêm chân cho công dụng mới.
Bài viết gây sốt ngay sau khi đăng, với gần 30 nghìn lượt thích và hơn một nghìn bình luận.
Nhiều người cho biết họ ngưỡng mộ tinh thần làm việc của Jeff Bezos ngay cả trong điều kiện khó khăn, hay sự giản dị của ông khi sử dụng chiếc bàn tự chế suốt hàng chục năm. "Kỹ sư mãi là kỹ sư", một người bình luận. Số khác nói hình ảnh này khiến họ cảm nhận Bezos vẫn luôn giữ vững lập trường như khi khởi nghiệp dù Amazon đã trở thành một tên tuổi khổng lồ.
"Bàn cánh cửa" vốn là điều không quá đặc biệt tại Amazon, thậm chí còn là một nét văn hóa tại đây. Trong blog được Nico Lovejoy, một trong những nhân viên đầu tiên tại Amazon, đăng năm 2018, loại bàn này được Bezos nghĩ ra vào năm 1995, khi cần trang bị bàn cho một số ít nhân viên thời đó.
"Khi vào cửa hàng gia dụng, ông ấy xem xét những chiếc bàn và những cánh cửa. Cửa rẻ hơn rất nhiều nên ông ấy quyết định mua chúng và gắn chân lên đó", Lovejoy kể lại.
Theo đánh giá của nhân viên Amazon bấy giờ, Bezos "không phải thợ mộc giỏi" nên loại bàn này "xấu xí và khá lung lay", khiến họ phải kê thêm giấy khi sử dụng. "Nhiều thứ chúng tôi làm bản chất khá vụn vặt, nhưng miễn sao giải pháp vụn vặt đó hiệu quả", Lovejoy nói.
Theo Insider, "bàn cánh cửa" đã trở thành biểu tượng cho văn hóa của Amazon, nhấn mạnh sự tiết kiệm là cốt lõi. Dù đã trở thành một trong những công ty giá trị nhất hành tinh, phiên bản hiện đại của loại bàn này vẫn hiện diện trên khắp các văn phòng công ty. Amazon thậm chí đăng các video hướng dẫn cách làm để nhân viên có thể tự thiết kế.
Trang này cũng dẫn lời Marc Randolph, một doanh nhân từng trò chuyện với Bezos, rằng việc dùng bàn tự chế là một "thông điệp có chủ ý". "Đó là cách để thể hiện họ sẽ không chi tiền cho những thứ không ảnh hưởng tới khách hàng của mình", Randolph nói.
Jeff Bezos sáng lập Amazon năm 1994 và từ chức CEO năm 2021. Ông hiện là một trong những người giàu nhất hành tinh, với khối tài sản khoảng 184 tỷ USD.