Gia đình anh Ngô Thanh Tùng, 45 tuổi, sống ở ngoại ô thành phố Nha Trang, bắt đầu trồng rau trên sân thượng tầng 2 từ năm 2007.
Ban đầu trồng vào thùng xốp, anh thấy kém hiệu quả. Các cây như bầu, bí không phát triển được, bên cạnh đó nước thấm xuống sàn dễ hư hại bê tông. Một lần tình cờ nhìn thấy bồn tắm ở các cửa hàng phế liệu, anh nảy ra ý định mua về trồng.
Thử nghiệm với 4 bồn, giá 500 nghìn đồng/cái, anh Tùng thấy rau tươi tốt, đậu hay bầu bí rất sai quả. Mùa sau, anh mua tiếp 6 cái bồn nữa.
Vì bồn không có chân, anh Tùng phải hàn khung. Dưới mỗi bồn đều đặt một thau inox để thu nước dư, nên không có tình trạng nước rớt ra sàn. "Kỳ công nhất là đất mang lên sân thượng. Một cái bồn cần đến 20 thùng đất to - loại thùng sơn 20 lít. Mỗi đêm tôi xách vài xô, ròng rã mấy tháng trời mới đủ", anh Tùng cho hay.
Là một kỹ sư hóa thực phẩm, anh Tùng tự ủ phân bò, gà, phân hữu cơ để có rau sạch. Anh cũng thiết kế một bể riêng để tưới vườn, chứ không tưới trực tiếp bằng nước máy.
Khâu làm đất là quan trọng nhất. Với các loại bầu, đậu, dưa, anh Tùng đổ đất vào 1/3 bồn, 1/3 phân bò hoặc gà ủ hoai, phân hữu cơ và cuối cùng cho 1/3 đất còn lại, sau đó mới gieo hạt. Đối với rau ăn lá, anh phủ một lớp đất mỏng lên trên phân, sau đó mới trồng. Mục đích để rau không tiếp xúc trực tiếp với phân.
Ưu điểm trồng rau trong bồn tắm là sạch sẽ, độ bền cao, qua 10 năm sử dụng vẫn chưa hư hại. Bồn chứa được nhiều đất nên cây trồng tươi tốt, rất ít sâu bệnh.
10 bồn rau, quả đáp ứng thoải mái nhu cầu cho gia đình hàng ngày. Hè rồi, anh Tùng chỉ trồng 3 gốc bầu trong một bồn mà cho thu hoạch hơn 80 quả.
"Thích nhất là mùa gần Tết, vườn mình trồng nhiều rau như xà lách, tần ô, ngò rí, các loại rau thơm, cải đắng... Sáng nào cũng lên hái một rổ, vừa non, vừa sạch cuốn bánh tráng với trứng gà rừng, chấm nước tương ngon tuyệt", anh Tùng chia sẻ.
"Mỗi lúc rảnh, bạn bè tôi thường đến chơi, vừa ngắm bầu bí và rau sạch, vừa uống cà phê chồn tôi tự làm", anh Tùng nói. Dự tính của anh là trồng thêm dưa lưới để có nguồn quả sạch cho gia đình.