Nhà Bắc Hồng được xây dựng tại Đông Anh, Hà Nội, trên diện tích đất 709 m2. Chủ đầu tư yêu cầu thiết kế công trình đáp ứng đầy đủ các chức năng: Nhà thờ của dòng họ, nơi sinh sống của ông bà, nơi các con, cháu từ thành phố về chơi dịp cuối tuần.
Dựa trên các yêu cầu đó, KTS Phạm Quốc Đạt và các cộng sự (Lab Concept) đã nghiên cứu, xây dựng không gian ở mang hơi hướng lối sống mới, nhưng vẫn giữ gìn mạch văn hóa truyền thống. Các KTS mong muốn tạo ra "một ngôi làng cổ giữa bối cảnh đô thị hóa".
Phần mái vòm nằm hình oval ở giữa sân tạo cảm giác như một con đường làng cổ. Điều này không chỉ thuận lợi cho lưu thông gió, mà còn tạo một không gian sinh hoạt chung, kết nối các thành viên trong gia đình.
Các vật liệu quen thuộc như gạch trần, ngói đỏ, gỗ, sắt... được kết hợp sử dụng, vừa mang hơi hướng làng quê, nhưng vẫn có nét mới lạ.
Các khối nhà được bố cục xô lệch nhưng hài hòa, liên kết với nhau bằng sân giữa và hàng hiên rộng.
KTS đã tạo ra những không gian ở đặc trưng cho 3 thế hệ: Phòng ở ông bà được bố trí liền kề khu thờ tự và bếp ăn, để thuận tiện nhất cho người già. Phòng cha mẹ riêng biệt phía bên kia sân và phòng các cháu được thiết kế nhô lên trên khu vực bếp ăn với hình khối và các cốt chênh nhau.
Đồ nội thất trong nhà được bố trí theo phong cách tối giản.
Với thiết kế độc đáo, công trình nhà ở Bắc Hồng vừa nhận giải Vàng duy nhất của Giải thưởng Kiến trúc quốc gia.
Hội đồng giám khảo cho hay đây là một nghiên cứu thành công của tác giả nhằm xây dựng không gian ở tại nông thôn theo nếp sống mới, kết nối các thế hệ trong gia đình với triết lý "xa mà gần".
Bản vẽ thiết kế ngôi nhà.