Ngôi nhà mang tên Lee House tọa lạc trên miếng đất 4 x 18 m tại quận 7, TP HCM là nơi sinh sống của một gia đình 3 thế hệ với 5 thành viên. Do quy định xây dựng phải chừa một phần phía trước và phía sau nhà nên diện tích xây dựng thực tế chỉ hơn 50m2.
Trong khi đó, chủ nhà còn cần một gara để xe. Kiến trúc sư Phạm Ngọc Bình cùng các đồng nghiệp tại Risou Architects quyết định thiết kế một ngôi nhà với cầu thang ở giữa và hai vế tầng lệch nhau để tận dụng tối đa diện tích.
Nhờ giải pháp lệch tầng, không gian dành cho cầu thang giảm bớt nhưng đi lại vẫn thoải mái. Giao thông giữa các tầng được thu ngắn lại.
Giải pháp lệch tầng thống nhất ngay từ tầng một khi khu vực sinh hoạt chung gồm phòng khách, bếp, ăn liên thông ở phía sau được nâng sàn cao hơn so với gara để xe ở phía trước.
Khoảng đệm giữa các phòng cũng có thể sử dụng làm những không gian sinh hoạt chung của gia đình. Như góc học tập của trẻ và làm việc của cha mẹ được bố trí ở hành lang tiếp giáp với khoảng thông tầng, nằm giữa phòng của trẻ với phòng của cha mẹ.
Giải pháp lệch tầng không chỉ giúp các thành viên trong gia đình tăng cơ hội tương tác với nhau mà còn giúp ngôi nhà tăng khả năng tương tác với thiên nhiên. Ánh sáng từ giếng trời thông qua cầu thang lệch tầng dễ dàng tiếp cận các không gian trong nhà.
Ngôi nhà có hướng nhìn trực tiếp ra công viên phía trước. Tận dụng lợi thế này, các cửa sổ phía mặt tiền được mở rộng tối đa.
Khi các cánh cửa mở toang, cảm giác phòng ngủ chính như được hòa cùng thiên nhiên bên ngoài.
Hệ cửa hai lớp, gồm lớp bên ngoài là nhựa cứng compact có hoa văn vừa ngăn bớt ánh nắng trực tiếp, vừa tăng tính thẩm mỹ cho công trình; lớp bên trong là hệ cửa lùa bằng kính.
Cả hai hệ cửa giúp ngôi nhà khai thác tối đa hiệu quả của yếu tố tự nhiên, để ánh sáng vào gió trời đi vào trong nhà luôn ở trạng thái hài hòa, cân bằng nhất.
Qua hiệu ứng ánh sáng, lớp cửa như một bầu trời sao rực rỡ. Đặc biệt về đêm, ngôi nhà gây ấn tượng thị giác mạnh.
Mặt bằng tầng 1.
Mặt bằng tầng 2.
Mặt bằng tầng 3.
Mặt bằng tầng 4.