Ảnh minh hoạ
Theo số liệu mới công bố từ ngân hàng nhà nước, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây. Số dư tiền gửi của khách hàng tại thời điểm cuối tháng 3/2022 đạt hơn 11,33 triệu tỷ đồng, tăng hơn 390.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tương đương tăng 3,6%. Trong đó, tiền gửi ở các tổ chức tín dụng của các tổ chức kinh tế là 5,865 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 19%; của dân cư là 5,474 triệu tỷ, tăng trưởng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, từ tháng 11/2021, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã lần đầu vượt tiền gửi của hộ gia đình và xu hướng đó vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tiền gửi của các doanh nghiệp vượt tiền gửi của hộ dân cư, điều gì đang xảy ra?
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, do hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn đang có các khó khăn trở ngại, các doanh nghiệp vẫn chưa dám mạnh tay đầu tư. Vì vậy, các doanh nghiệp gửi vào ngân hàng để hưởng lãi suất, chờ đợi cơ hội đầu tư.
Đơn cử như việc tăng giá một cách đột xuất của một số nguyên vật liệu đầu vào cũng khiến cho doanh nghiệp chần chừ trong việc mua nguyên vật liệu. Nhiều công ty cũng cho rằng tình trạng giá cả tăng bất thường chỉ là tạm thời. Chính vì thế, trong tình hình hiện tại các doanh nghiệp phải gửi ngân hàng để hưởng lãi suất thay vì chọn mở rộng sản xuất.
Ví dụ như ngành sắt thép, nhiều doanh nghiệp dự báo rằng việc nguyên vật liệu tăng giá là do xung đột địa chính trị gây ra và điều đó sẽ sớm qua đi nên nhóm này có xu hướng chờ đợi cơ hội.
Từ đầu năm đến nay, một số ngân hàng có tăng lãi suất huy động song không nhiều và chưa đủ hấp dẫn để hút mạnh tiền gửi dân cư. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư vẫn thấy những cơ hội đầu tư tốt hơn ở chứng khoán và bất động sản. Chính vì thế mà vốn của doanh nghiệp gửi vào là chủ yếu.
Có chăng sự góp mặt từ dòng vốn chứng khoán và bất động sản vào tiền gửi ngân hàng?
Theo chuyên gia, khi thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh, nhiều người đã rút toàn bộ tiền gửi ngân hàng để chuyển sang đầu tư chứng khoán và một phần nhỏ vào bất động sản.
Thị trường chứng khoán đầu năm cũng có những dấu hiệu của sự điều chỉnh, nhiều nhà đầu tư nhận thấy xu hướng này cũng đã rút lui khỏi thị trường. Đặc biệt trong giai đoạn chấn chỉnh, xử lý các vụ việc sai phạm, thị trường chứng khoán có xu hướng rớt điểm. Chứng khoán cũng vì thế mà không còn quá hấp dẫn như trước với các dòng tiền đầu cơ và cũng đã có thêm những nhà đầu tư rời bỏ thị trường này.
Có một bộ phận dòng tiền rời khỏi chứng khoán tham gia vào thị trường bất động sản khiến cho thị trường này tăng rất nóng. Mặc dù vẫn có dòng tiền gửi vào ngân hàng nhưng con số không nhiều.
Thời gian vừa qua thị trường chứng khoán có thể có nhiều biến động, song chuyên gia cho rằng trong dài hạn do nền sản xuất có triển vọng tăng trưởng rất tốt nên thị trường chứng khoán vẫn đi lên.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
"Bất động sản và chứng khoán vẫn là những kênh đầu tư có hiệu quả, đặc biệt nếu lựa chọn đúng hàng hóa thì kết quả đầu tư vẫn rất tốt, tuy nhiên cần tránh để hết trứng vào một giỏ. Tiền gửi ngân hàng cũng hiệu quả và tương đối an toàn. Ở Việt Nam gần như chẳng ngân hàng nào phá sản và nó vẫn là một kênh tương đối tốt để có thể đầu tư" – ông Thịnh nhắn nhủ nhà đầu tư.