Sở hữu một ngôi nhà là niềm mơ ước của nhiều gia đình trẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, để có đủ số tiền chi trả cho một ngôi nhà không phải ai cũng đủ điều kiện. Chính vì vậy, mua nhà trả góp được nhiều người thu nhập trung bình - khá lựa chọn để giải bài toán tài chính của mình. Song, làm sao để mua nhà trả góp mà không bị rơi vào những tình huống rủi ro là điều phải cân nhắc kỹ.
Trước khi mua nhà trả góp, người mua cần đánh giá được khả năng tài chính của bản thân. Về lý thuyết, các ngân hàng có thể cho vay tới 70 - 80% giá trị căn nhà, như vậy ít nhất người mua phải đang có sẵn 20 - 30%.
Theo nhiều chuyên gia tài chính nhận định, khi lựa chọn mua nhà trả góp, người mua cần phải lưu ý những điểm quan trọng dưới đây:
Đừng mua nhà kiểu "tay không bắt giặc"
Lựa chọn ngôi nhà có giá trị vượt quá so với khả năng chi trả là một trong những sai lầm lớn nhất mà người mua nhà lần đầu thường gặp. Tốt nhất, bạn nên chọn ngôi nhà mà chi phí cho nó không vượt quá 30% thu nhập hàng tháng.
Đối với việc mua nhà trả góp, điều này còn quan trọng hơn nhiều. Bởi, ngoài chi phí bảo trì, bảo hiểm, cải tạo căn nhà, bạn còn phải cộng thêm cả khoản tiền trả ngân hàng mỗi tháng, bắt buộc không được vượt qua con số 30% tổng nguồn thu của bản thân.
Bạn cũng có thể áp dụng "quy tắc 28/36", nghĩa là, chi phí nhà ở không nên chiếm quá 28% tổng thu nhập hàng tháng và không chi quá 36% cho tổng nợ, bao gồm tất cả các khoản vay.
Những nguyên tắc trên cũng là cơ sở để các ngân hàng đánh giá khả năng của bạn khi cho vay mua nhà. Bạn có thể sẽ phải chịu một mức lãi suất cao hơn hoặc là không được vay nếu tỷ lệ nợ vượt quá mức thu nhập.
Xác định rõ 3 nguồn vốn hiện có
Số tiền hiện tại đang có: Là số tiền tiết kiệm có được ở thời điểm muốn mua nhà, số tiền tiết kiệm còn lại hàng tháng sau khi đã trừ hết các khoản phí sinh hoạt, chi tiêu.
Số tiền hỗ trợ: Tức là số tiền bạn có thể vay mượn được người thân với lãi suất bằng 0 hoặc thấp hơn lãi suất ngân hàng.
Khả năng thanh toán nợ: Khi mua nhà trả góp thì hàng tháng bạn sẽ phải trả một khoản tiền đều đặn kèm lãi suất. Nên tìm hiểu rõ về số tiền phải trả này cũng như thời gian trả thật chính xác để xem mình có khả năng thanh toán hay không.
Nếu số tiền hiện có và số tiền hỗ trợ lớn hơn khả năng thanh toán nợ thì việc mua nhà là hoàn toàn khả thi.
Vay trong khả năng
Nếu không có sự tính toán kỹ lưỡng, đôi khi bạn sẽ phải sống trong cảm giác nợ nần rất căng thẳng ngay trong chính ngôi nhà mình mua. Việc vay nhiều hay ít phụ thuộc vào khả năng tài chính hiện có cũng như khả năng chi trả của bạn. Tuy nhiên, lời khuyên ở đây là không nên vay quá 50% giá trị căn nhà, mức vay từ cỡ 30 - 40% được xem là hợp lý với đa số người.
Chọn dự án gửi "vàng"
Vấn đề tài chính đã xong xuôi thì cũng là lúc bạn cần xem xét đến việc chọn lựa dự án để mua và cũng chính là ngôi nhà tương lai của mình. Có ba yếu tố quan trọng khi lựa chọn dự án để ở bao gồm vị trí và tiện ích sống, giá cả và tiến độ thanh toán, uy tín của chủ đầu tư. Trong đó vị trí và tiện ích sống sẽ là điều ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống lâu dài của bạn. Nên lựa chọn dự án có hệ thống giao thông thuận tiện cho việc đi lại hàng ngày cua bạn cũng như các tiện ích nội khu, ngoại khu đi kèm trong dự án như siêu thị, bệnh viện, chợ, an ninh, bảo vệ,…
Giá cả và tiến độ thanh toán: Người mua cần trao đổi kỹ về vấn đề giá cả cũng như tiến độ thanh toán với phía chủ đầu tư hay môi giới để có thể kiểm soát và lên kế hoạch thanh toán tốt nhất cho mình. Đặc biệt với những dự án vẫn còn trong quá trình xây dựng lại càng cần phải lưu về tiến độ thanh toán và bàn giao thật kỹ.
Uy tín chủ đầu tư: Nên chọn những dự án có chủ đầu tư uy tín, tốt nhất đã từng có những
dự án khác thành công trước đó. Việc này giúp bạn an tâm hơn khi trao gửi niềm tin và tài chính cũng như tránh được những rủi ro, lừa đảo.
Tìm hiểu môi trường xung quanh
Trang Realtor từng đưa ra khuyến nghị đối với người mua nhà: "Bạn không chỉ mua ngôi nhà đơn thuần. Bạn cũng đang "mua" khu phố quanh ngôi nhà đó. Đó là lý do tại sao bạn phải chắc chắn rằng mình cảm thấy thiện cảm và tiện nghi với môi trường xung quanh nơi ở mới".
Còn theo các chuyên gia, trong trường hợp chọn mua nhà để sống lâu dài bạn nên dạo quanh khu vực chọn mua nhà vào cả ban đêm lẫn ban ngày để tìm hiểu về môi trường xung quanh thật kỹ lưỡng.
Chuyên gia bất động sản Sidney Torres nhận định: "Sẽ không phí công khi dành 48-72 giờ ở căn nhà đó trước khi bạn thực sự chi tiền ra mua nó".
Kiểm tra kỹ thông tin trong hợp đồng vay mua nhà
Trước khi đặt bút kí quyết định trong hợp đồng mua nhà, bạn cần kiểm tra kỹ tất cả các thông tin từ đầu đến cuối bản hợp đồng. Về tổng giá trị của căn nhà, thời gian thanh toán cụ thể để tránh việc phát sinh những khoản phí vô hình và thời gian phải trả tiền nằm trong tầm kiểm soát tài chính của bạn.
Bạn cũng có thể chủ động đề xuất yêu cầu chỉnh sửa bổ sung một số thông tin mà bạn cho là chưa phù hợp với quyền lợi của người mua. Có thể yêu cầu chủ đầu tư hỗ trợ một phần chi phí chung như phí quản lý chung cư, phí sửa sang và mua sắm nội thất. Nên tham khảo hỏi ý kiến luật sư với những thông tin ghi trong hợp đồng và không nên đặt cọc tiền trước khi hai bên tiến hành thương lượng.
Mua bảo hiểm căn nhà
Điều này rất quan trọng, đặc biệt trong tình huống bạn đang vay vốn ngân hàng nhằm để đảm bảo rủi ro bất ngờ về bất động sản. Phí mua bảo hiểm tương đối thấp, khoảng 0,14%. Lấy ví dụ: Với căn nhà 1,2 tỷ đồng thì mức phí này tương ứng 1,68 triệu đồng/năm.
Lên kế hoạch tài chính cụ thể để trả nợ sau vay
Món nợ làm bạn mệt mỏi hơn, nhưng nó cũng là động lực giúp bạn cố gắng hơn trong công việc. Sau khi mua nhà bạn nên cùng gia đình lên một kế hoạch tài chính chi tiêu sinh hoạt hợp lý để có thể trả nợ đúng hạn. Tránh tình trạng để thời gian nợ quá hạn, để lãi mẹ đẻ lãi con.
Hiện nay, mua nhà trả góp thực sự là một lựa chọn hoàn hảo cho những gia đình chưa có đủ tài chính. Nhưng trước khi quyết định mua cần nắm rõ được những lưu ý nói trên khi mua nhà trả góp để có đủ thông tin, sự hiểu biết mua một căn nhà đúng như mong muốn của gia đình.
Thủ tục cần thiết khi vay mua nhà tại ngân hàng - Giấy đề nghị vay vốn (theo mẫu từng ngân hàng) - Hợp đồng mua bán nhà có công chứng/ Chứng thư định giá - Giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng vốn khác phù hợp với mục đích vay mua nhà hoặc vay bù đắp tài chính. - CMND/hộ chiếu, Sổ hộ khẩu/Giấy chứng nhận tạm trú của người vay và của bên bảo lãnh - Giấy đăng ký kết hôn/chứng nhận độc thân - Giấy tờ chứng minh thu nhập - Giấy tờ về tài sản bảo đảm (Nếu có) |