Siết dự án mới, ưu tiên dự án nhà ở xã hội
Mới đây, UBND TP HCM đã trình HĐND thành phố Dự thảo Chương trình phát triển nhà ở Tp.HCM giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Chánh văn phòng UBND TP HCM, ông Võ Văn Hoan cho biết, theo đề xuất, đến năm 2020, khu vực quận 1, quận 3 sẽ không phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng; ưu tiên tăng chỉ tiêu quy hoạch cho các dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ có từ trước năm 1975.
Khu vực 6 quận nội thành phát triển (quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức) sẽ ưu tiên triển khai những dự án xây nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông lớn.
Khu vực 11 quận nội thành hiện hữu (quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Gò Vấp) sẽ chỉnh trang, nâng cấp đô thị, hoàn thiện những dự án dở dang.
Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ ưu tiên những dự án nhà ở xã hội; hạn chế chấp thuận chủ trương đầu tư những dự án xây nhà ở mới, chung cư cao tầng nếu chưa có kế hoạch xây hạ tầng kỹ thuật, xã hội tương ứng.
Tp.HCM có chủ trương siết dự án nhà ở cao tầng tại các quận trung tâm. Ảnh minh họa
Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Trần Trọng Tuấn, Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2025 hướng đến nhu cầu nhà ở của những người có thu nhập thấp, những đối tượng thuộc diện di dời, cải tạo, xây mới chung cư cũ, những hộ đang sống ven, trên kênh rạch.
Lo khan hàng, giá bị đội lên cao
Nhiều doanh nghiệp địa ốc bày tỏ lo ngại trước việc UBND TP HCM siết dự án nhà ở cao tầng. Tổng giám đốc Phú Đông Group, ông Ngô Quang Phúc cho biết, đầu năm 2018, Phú Đông có kế hoạch phát triển một dự án chung cư cao cấp trên 5.000m2 đất tại quận 1 vào năm 2019. Kế hoạch này sẽ phải thay đổi nếu Chương trình phát triển nhà ở trên được thông qua. Bên cạnh đó, việc kinh doanh của doanh nghiệp sẽ bị tổn hại khá lớn do nguồn vốn đổ vào quỹ đất này sẽ phải nằm bất động trong một thời gian dài.
Ngoài Phú Đông, những doanh nghiệp địa ốc như Him Lam Land, Hung Thinh Corp, Novaland… cũng gặp cảnh tương tự. Một lãnh đạo của Hung Thịnh Corp cho hay, quỹ đất của doanh nghiệp để phát triển dự án đến năm 2020 chủ yếu đều thuộc những quận bị siết phát triển dự án chung cư.
Vị này nói: "Nhu cầu nhà ở của khách hàng vẫn tập trung chủ yếu ở các quận trung tâm, nên việc siết cấp phép dự án nhà ở cao tầng mới ở khu vực này sẽ gây mất cân bằng cung - cầu của thị trường, nguồn hàng khan hiến sẽ đẩy giá bán tăng mạnh, tạo ra sốt ảo cho thị trường".
Về chủ trương của thành phố, Phó giám đốc Công ty CP Địa ốc Đất Lành, ông Nguyễn Văn Đực nhận định, đây là giải pháp để thực hiện kế hoạch giãn dân, chỉnh trang đô thị. Ông Đực cho rằng, những dự án nhà ở xã hội tại TP HCM đang triển khai rất chậm vì doanh nghiệp thiếu vốn và thiếu các gói vay hỗ trợ người mua nhà ở xã hội. Trên địa bàn TP HCM hiện có khoảng 274.600 công nhân, lao động, số người ngoại tỉnh chiếm đến 69% nhưng chỉ có khoảng 16.190 người có chỗ ở.
"Mặc dù nhu cầu về nhà ở rất lớn, nhưng do không có các gói vay hỗ trợ, nên nhiều người lao động không thể mua được nhà ở xã hội", ông Đực nói và cho rằng, việc siết dự án chung cư trong 2 năm tới có thể khiến doanh nghiệp có dự án được cấp đội giá lên cao, gây ảnh hưởng lên thị trường và người mua nhà sẽ phải chịu thiệt.