Thị trường bất động sản Việt Nam chuyển từ kém minh bạch sang nhóm bán minh bạch. Ảnh minh hoạ
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam nhận định không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam đã chuyển mình từ đất nước "kém minh bạch" sang "bán minh bạch" trong bảng xếp hạng chỉ số minh bạch mới nhất. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã từng bước trở thành điểm đến hàng đầu cho ngành công nghiệp sản xuất tại Đông Nam Á và thu hút lượng vốn đầu tư nước ngoài đáng kể. "Việt Nam sẽ cần tiếp tục cải thiện tăng thứ hạng nếu muốn thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài", ông Stephen nói.
Chuyên gia JLL Việt Nam cũng cho rằng triển vọng kinh tế mạnh mẽ của nước ta đã thu hút sự quan tâm đáng kể từ cả khách thuê và nhà đầu tư, dẫn đến sự gia tăng cạnh tranh cung cấp dịch vụ từ các công ty quản lý tài sản. Dù nhiều kế hoạch đầu tư vào bất động sản thương mại đã bị tạm dừng do đại dịch COVID-19, song xu hướng phân bổ vốn đầu tư vẫn sẽ tiếp tục và độ minh bạch thị trường sẽ càng có vị trí quan trọng hơn trong chiến lược doanh nghiệp.
Đáng chú ý, không riêng gì Việt Nam, các thị trường mới nổi ở châu Á - Thái Bình Dương cũng chứng kiến sự thăng hạng trong bảng xếp hạng, nổi bật như Trung Quốc đại lục (thứ 32), Thái Lan (thứ 33), Ấn Độ (thứ 34), Indonesia (thứ 40), Philippines (thứ 44), Singapore (thứ 14).
Theo JLL, áp lực từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng đang thúc đẩy cải thiện tính minh bạch bất động sản để cạnh tranh với các loại tài sản khác. Điều này cũng đáp ứng kỳ vọng cao hơn về vai trò của ngành bất động sản trong việc cung cấp một môi trường xây dựng bền vững và an toàn sau COVID-19. Hơn nữa, công nghệ bất động sản (proptech) cũng đang thay đổi cách thu thập và phân tích dữ liệu bất động sản, giúp quá trình quản lý minh bạch và hiệu quả hơn.
Nghiên cứu của JLL cũng cho thấy một động lực quan trọng khác thúc đẩy tính minh bạch của thị trường là khối lượng dữ liệu bất động sản thu thập được do sự phổ biến của các nền tảng proptech, các công cụ kỹ thuật số và các kỹ thuật phân tích dữ liệu lớn.
Ông Chris Fossick, Tổng giám đốc JLL Đông Nam Á nói rằng proptech và các tiêu chuẩn cam kết bền vững tiếp tục trên đà tăng trưởng, độ minh bạch cũng sẽ ngày càng được thúc đẩy trong bối cảnh pháp lý và ngành bất động sản của mỗi quốc gia phát triển. Với sự bùng nổ dịch COVID-19, ngành bất động sản sẽ cần hợp tác với chính quyền địa phương để đạt được sự minh bạch cao hơn và đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư khi triển vọng đầu tư thay đổi trong 12 đến 18 tháng tới.
Được biết, Công ty JLL và LaSalle đã theo dõi tính minh bạch của thị trường bất động kể từ năm 1999. Bảng xếp hạng chỉ số minh bạch bất động sản toàn cầu (GRETI) đánh giá 99 quốc gia, vùng lãnh thổ và 163 khu vực thành phố. Khảo sát mới nhất này đã được mở rộng để định lượng 210 yếu tố minh bạch khác nhau, bao gồm tính bền vững và khả năng phục hồi, sức khỏe, proptech và các lĩnh vực thay thế khác.