Những đổi thay này khiến Nhơn Hội như khoác lên mình sắc diện mới: hiện đại và phồn vinh.
Từ vẻ đẹp hoang sơ trong quá khứ
Theo nhận định của người dân địa phương, sự thay đổi của Nhơn Hội cơ bản được chia theo 2 mốc thời gian: trước và sau sự xuất hiện của cây cầu Thị Nại. Cầu Thị Nại được khởi công xây dựng vào năm 2002 với chiều dài gần 7km, nối TP Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai (khu kinh tế Nhơn Hội) gồm cầu chính vượt đầm Thị Nại và 5 cầu nhỏ bắc qua các dòng chảy của sông Hà Thanh trước khi đổ ra biển. Sau 4 năm thi công, cầu Thị Nại chính thức được khánh thành đi vào hoạt động, đưa bán đảo Phương Mai bước qua một trang lịch sử hoàn toàn mới. Nếu như trước đây, người dân phải nương theo những con đò lớn nhỏ, nương vào con nước và thời tiết để giao thương, đi lại thì sự ra đời của cầu Thị Nại đã giải quyết hết các bài toán từ dễ đến khó đó để tạo sự kết nối mạnh mẽ chưa từng có cho kinh tế-xã hội địa phương.
Tổng thể dự án Kỳ Co Gateway của Tập đoàn Danh Khôi phát triển
Nhơn Hội từng có một quãng thời gian dài im lìm, "say ngủ" giữa những mênh mông đồi cát, rừng dương và làng mạc trước biển. Thời ấy, người ta ít nghĩ, ít biết về Nhơn Hội bởi những cách trở và hoang vu. Khu kinh tế này trước đây không khác gì một viên ngọc thô chưa được toả sáng. Nhưng ngọc vẫn là ngọc. Nhơn Hội có đủ các yếu tố nội sinh để sẵn sàng chờ đón những đổi thay lớn. Đó là những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp đến mức choáng ngợp như Kỳ Co, Eo Gió, Bãi Dứa, Hòn Sẹo… Đó là những bãi biển êm đềm, là màu xanh ngút mắt của đại dương, là cát vàng óng ánh, hứa hẹn trở thành những thiên đường nghỉ dưỡng và là nơi ươm mầm cho một nơi chốn lý tưởng trong tương lai.
Ngả rẽ lớn từ "du lịch"
Nếu cây cầu Thị Nại được xem là dấu mốc đầu tiên để kết nối Nhơn Hội với Quy Nhơn và những vùng miền khác thì du lịch chính là ngả rẽ lớn đầu tiên để tạo sức bật cho sự cất cánh của mảnh đất này.
Một góc bán đảo Phương Mai
Trước khi được khơi nguồn phát triển du lịch, Nhơn Hội được xem là khu đất vàng của thành phố cho việc phát triển công nghiệp. Các dự án về sản xuất máy móc, thiết bị, dụng cụ từng được phê duyệt, thậm chí cả một dự án khủng về lọc dầu của Thái Lan cũng từng được xúc tiến mạnh mẽ. Tuy nhiên, sau một thời gian cân nhắc đến lợi ích lâu dài của người dân, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã chọn việc ưu tiên phát triển du lịch ở mảnh đất này. Ngành công nghiệp không khói đã và đang đem lại rất nhiều đổi thay táo bạo cho thành phố Quy Nhơn nói chung và Nhơn Hội nói riêng. Năm 2019, theo thống kê của ngành du lịch tỉnh Bình Định, có hơn 4 triệu lượt khách đến đây tham quan, lưu trú. Hầu hết trong số đó đều "check in" Nhơn Hội.
Nơi này sở hữu những "viên ngọc" được xem là long lanh nhất tại Bình Ðịnh nói riêng và Việt Nam nói chung về du lịch biển đảo. Eo Gió được mệnh danh là nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất Việt Nam; còn Kỳ Co được ví như một Madives của người Việt với dòng nước màu ngọc bích trong vắt. Ðó là chưa kể những cảnh quan tuyệt đẹp trên đường đến Kỳ Co bằng đường bộ và đường biển. Bên cạnh đó, Nhơn Lý còn thu hút du khách bởi vẫn giữ được nhịp sống của một làng chài dung dị với những con người hồn hậu như bao đời vẫn thế. Ông Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, tự hào chia sẻ: "Khách đến ở trong FLC nhưng ăn uống, vui chơi vẫn về với làng chài. Chúng tôi có một lối ẩm thực riêng với toàn đồ biển tươi sống ngon lành như ốc, mực, cá, bào ngư, tôm… được chế biến thơm ngon và giá rẻ".
Bán đảo Phương Mai xưa chỉ toàn cát là cát thì nay đang là nơi có những con đường nhựa trải dài thẳng tắp đẹp bậc nhất Bình Định. Hạ tầng phát triển kéo theo những an sinh xã hội khác cũng được đầu tư. Hàng loạt đại dự án bất động sản đang được đổ bộ mạnh vào vùng đất này như FLC, các dự án Nhơn Hội New City, Kỳ Co Gateway do Tập đoàn Danh Khôi phát triển, hay như gần đây Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã mua lại một dự án hơn 1.000 héc ta đang chuẩn bị triển khai… Tấc cả đang tạo nên sinh khí của một vùng đất được nhìn thấy rõ rệt ở sự nhộn nhịp thuyền bè đưa đón, phục vụ, giới thiệu với khách những cảnh đẹp quê mình. Người dân miền biển bao đời nay vẫn "ăn sóng nói gió", song trước sự phát triển của du lịch - dịch vụ, đã tự điều chỉnh mình "mềm" hơn để vui lòng khách đến vừa lòng khách đi.
Điểm nhấn ấn tượng của các dự án kinh tế lớn
Khu kinh tế Nhơn Hội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 142/2005/QĐ-TTg ngày 14-6-2005. Theo quyết định này, Khu kinh tế Nhơn Hội rộng 12.000 ha, nằm trên bán đảo Phương Mai (thuộc địa bàn TP Quy Nhơn và các huyện Phù Cát, Tuy Phước). Ngày 8-5-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 514/QĐ-TTg về điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội đến năm 2040. Theo đó, diện tích Khu kinh tế Nhơn Hội được điều chỉnh lên 14.308 ha, bao gồm phần diện tích trước đây, cộng thêm 2.308 ha tại xã Canh Vinh (huyện Vân Canh).
Từ khi được thành lập vào năm 2005 đến nay, Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) đã thu hút được nhiều nhà đầu tư tên tuổi đến đầu tư các dự án du lịch, đô thị, công nghiệp…
UBND tỉnh Bình Định vừa trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án mới với tổng số vốn 36.252 tỉ đồng. Trong đó, có nhiều dự án tại Khu kinh tế Nhơn Hội như: Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, Dự án Nhà máy điện gió Nhơn Hội 1 và Nhơn Hội 2, Dự án Nhà máy điện mặt trời QNY, Dự án Tổ hợp vui chơi, giải trí Tini Dream, Dự án Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airway, Dự án Nhà máy nước giải khát TingCo Bình Định, Dự án Nhà máy sản xuất dược phẩm Bidiphar công nghệ cao, Dự án sản xuất thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng của Công ty Cổ phần Kỹ thuật dược Bình Định.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng, việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội trên bán đảo Phương Mai đã được Thủ tướng phê duyệt, cơ bản là điều chỉnh về tính chất của khu kinh tế, từ một khu đặt nặng về phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị chuyển sang trọng tâm là phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp và cảng biển.