Trong buổi báo cáo thị trường quý III của Savills Việt Nam, bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường cho biết gần đây, nhiều nhà phố đang chào thuê mức giá như trước dịch Covid-19 khiến thị trường trở nên khó lường trong ngắn hạn.
Giải thích về xu hướng này, bà cho rằng các chủ nhà đang có niềm tin nhu cầu tìm thuê trở lại. Tuy nhiên, đặc điểm của loại mặt bằng này là thường cho thuê nguyên căn, nhưng khách hàng thường chỉ muốn thuê tầng trệt nên vô tình khiến việc cho thuê càng khó khăn.
Trong khi đó, ở các trung tâm thương mại, người thuê thường được hưởng lợi thêm từ dòng khách chung của toàn khu so với mặt bằng nhà phố.
"Tâm lý khách thuê vẫn khá thận trọng, họ hạn chế mở mới hay thay đổi vị trí thuê. Tình trạng này sẽ kéo dài trong một thời gian nữa, tuy nhiên, hoạt động bán lẻ truyền thống được kỳ vọng trở lại mạnh mẽ trong các dịp lễ Tết sắp tới", bà Võ Thị Khánh Trang bình luận.
Từ đó, bà khuyến nghị các chủ nhà nên nương vào thị trường, nhìn nhận và đánh giá tình hình một cách phù hợp để đưa ra những điều kiện tốt cho cả chủ nhà và khách thuê.
Nhìn về thị trường chung, công suất bán lẻ trung bình trong quý III chỉ đạt 94%, giảm nhẹ so với quý II và cùng kỳ năm trước.
Chủ nhà phố cho thuê đã bắt đầu tăng giá thuê trở lại do cảm thấy lạc quan trước sự kiểm soát dịch Covid-19. Ảnh: Chí Hùng.
Theo khảo sát của Savills trong quý III, khách thuê các ngành F&B và thời trang cũng đang có sự thay đổi liên tục rõ rệt về diện tích thuê do trả mặt bằng, hoặc do giảm bớt diện tích thuê để cắt giảm chi phí.
Số liệu của Cục thống kê TP.HCM cho thấy doanh thu dịch vụ ăn uống trong 9 tháng đầu năm 2020 đã giảm 39% so với cùng kỳ năm trước. Sự bùng nổ của thương mại điện tử tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu của ngành bán lẻ truyền thống.
Tháng 7 vừa qua, Nielsen cũng công bố 64% người tiêu dùng sẽ tiếp tục sử dụng các dịch vụ giao hàng, đồng thời 63% sẽ gia tăng mua hàng trực tuyến. Lượng người truy cập vào các trang thương mại điện tử ngày càng gia tăng, trong đó Shopee đang dẫn đầu với khoảng 27 triệu người truy cập hàng tháng.
Theo khảo sát của Zing, một số doanh nghiệp F&B trên thị trường TP.HCM cũng đã chuyển hướng sang đầu tư mô hình "bếp trên mây" mà ở đó các đầu bếp tập trung vào việc chế biến thực phẩm, các sản phẩm chỉ phân phối qua hình thức giao hàng hoặc khách mua mang đi với mục tiêu tiết kiệm các chi phí vận hành.
Bà Ninh Hoàng Ngân, nhà sáng lập của Chef Station, một mô hình bếp trên mây mới tại TP.HCM cho biết trong nửa đầu năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, nhiều nhà hàng đã rơi vào tình trạng doanh thu không thể bù được chi phí mặt bằng, nhân sự, vận hành hệ thống.
"Chúng tôi nhận ra rằng việc duy trì và mở thêm các cửa hàng vật lý cho sản phẩm F&B là không hề đơn giản. Vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp F&B không phải việc bạn có bao nhiêu cửa hàng mà quan trọng là sản phẩm của bạn có đến được tay nhiều người tiêu dùng hay không", bà Ngân chia sẻ.
Theo Savills, khi các chính sách hỗ trợ giá thuê từ quý II tại khu vực ngoài trung tâm hết hiệu lực, giá chào thuê trung bình của thị trường TP.HCM đã tăng 2%. Việc kiểm soát tốt làn sóng Covid-19 và công suất cho thuê ở mức 94% đã củng cố thêm niềm tin của các chủ nhà vào thị trường này. Giá cho thuê trung bình trong quý III đạt 50 USD /m2/tháng.
Ở góc độ người thuê, các ngành F&B và thời trang vẫn đang trong thời điểm khó khăn và buộc phải giảm quy mô hệ thống, diện tích thuê, hợp nhất các chi nhánh và tập trung vào một số mặt bằng chủ đạo. Nhiều thương hiệu bán lẻ quốc tế cũng đang có sự trì hoãn trong việc gia nhập và mở rộng tại Việt Nam.
Trong 3 tháng cuối năm, mặt bằng bán lẻ cho thuê dự kiến tăng thêm 50.000 m2 từ 7 dự án mới, trong đó khu vực ngoài trung tâm chiếm đến hơn 80% thị phần.