Tốt nghiệp ngành cử nhân thương mại ở Việt Nam vào năm 2011, Tô Thị Thu Vân (sinh năm 1989) đặt ra mục tiêu phải tìm được một công việc yêu thích ở nước ngoài với mong muốn "ngày vẫn làm 8 tiếng nhưng phải nhận được mức lương cao".
Vì thế, ngay khi vừa ra trường, Vân đã thử sức mình ở nhiều lĩnh vực. Ban đầu, cô tìm một công việc tạm thời ở một công ty tại Việt Nam với vị trí hỗ trợ tuyển dụng. "Xác định đó là quãng thời gian để bản thân tự trau dồi thêm các kỹ năng mới, cho nên tôi luôn cố gắng hết sức, ai bảo gì làm nấy, dù đó là việc nhỏ nhất cũng không nề hà. Thậm chí, có quãng thời gian tôi thường ở lại công ty tới 8-9 giờ tối để hoàn thành công việc".
Khâm phục sự kiên trì, chịu khó của cô sinh viên mới ra trường, vị quản lý của công ty đã giới thiệu cho Vân vị trí làm chuyên viên Trung tâm hỗ trợ nhân viên của Công ty Intel tại Malaysia. Lời giới thiệu này đã khiến Vân vô cùng bất ngờ.
"Sau này, khi gặp lại bác, tôi có hỏi rằng tại sao bác lại muốn giúp đỡ một người trẻ mới ra trường, còn ít kinh nghiệm như mình, bác nói: "Nhìn cách cháu cống hiến và học hỏi trong công việc, bác có thể nhìn thấy cháu của 3 – 5 năm sau". Câu nói đó đã khiến tôi rất vui vì thấy những nỗ lực của mình đã được mọi người nhìn nhận. Đó cũng là động lực để tôi quyết tâm phấn đấu, không bỏ lỡ cơ hội quý giá ấy".
Thu Vân hiện đang là Quản lý chương trình cấp cao tại trụ sở chính của Amazon (Seattle, Mỹ).
Năm 2012, sau khi vừa ăn Tết xong, Vân khăn gói qua Malaysia để nhận công tác tại nơi làm việc mới. Đây cũng là công việc cô đã gắn bó trong suốt 4 năm sau đó. Ban đầu, Vân đảm nhận vị trí là chuyên viên của Trung tâm hỗ trợ nhân viên, sau đó nhờ nỗ lực, cô gái Việt được phân lên làm trưởng nhóm.
"Trong khoảng thời gian đó, công việc ngày càng nhiều, nhưng tôi vẫn xung phong làm thêm các dự án mà trung tâm cần. Tôi cứ thế cống hiến, không đòi hỏi tăng tương vì coi đây là những cơ hội để được học tập, trau dồi thêm về chuyên môn".
Nhờ những cống hiến ấy, công ty đề xuất cấp học bổng cho Vân học lên thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh tại ĐH Khoa học Malaysia. Cô gái Việt cũng là một trong số ít nhân sự của công ty được cử đi học khi ấy. Vân hoàn thành chương trình rất nhanh, chỉ mất khoảng 2 năm cho chương trình học này.
Đến cuối năm 2015, Vân kết hôn và quyết định cùng chồng sang định cư tại Mỹ. Khi ấy, cô vẫn tiếp tục làm việc tại Công ty Intel tại Mỹ, nhưng chuyển sang bộ phận Phân tích kinh doanh cấp đa vùng, bao gồm các vùng ở cả châu Á, Âu và Mỹ.
Dân Kinh tế "dấn thân" vào công ty công nghệ
Một năm sau, Vân đổi nơi sinh sống. Do đó, cô quyết định chuyển sang một công việc mới để thử thách bản thân và được học hỏi thêm nhiều hơn.
"Trong suốt 3 tháng, tôi tích cực gửi đơn xin việc ở khắp nơi. Tôi rải khoảng 1.000 lá đơn xin việc ở nhiều vị trí, nhưng đa phần là từ chối. Trước đây, công việc của tôi là làm ở các trung tâm hỗ trợ. Những công việc này ở Mỹ không được đánh giá cao. Họ cho rằng, những kỹ năng tôi có không đủ để làm ở các công việc khác".
Chỉ khoảng 2% trong số đó đồng ý cho cô gái Việt vào vòng phỏng vấn. Vân nói, mỗi khi có cơ hội, cô đều nỗ lực để chứng minh bản thân có thể làm được nhiều thứ hơn thế. "Tôi thường chia sẻ với nhà tuyển dụng về những dự án mình đã từng làm nhằm cải tiến hiệu suất công việc. Đây là điều những chuyên viên khác tại các trung tâm hỗ trợ rất ngại làm. Nhưng tôi sẵn sàng làm nhiều hơn những thứ được giao và luôn cống hiến hết mình".
Ở nhiều cuộc phỏng vấn, dù không được nhận vào làm, nhưng Vân cho rằng, đó không phải là thất bại mà là một may mắn. "Nhờ đó, tôi có thể nhìn ra điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và rút kinh nghiệm cho lần sau".
Vân tốt nghiệp thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh tại ĐH Khoa học Malaysia.
Riêng tại Amazon, Vân đã rải 250 đơn xin việc cho 250 vị trí, sau đó được gọi cho một số vị trí như hỗ trợ nhân viên, làm phân tích kinh doanh, quản lý dự án,... Cuối cùng, cô quyết định thử sức với công việc đầu tiên tại Amazon là Quản lý hệ thống hỗ trợ nhân viên qua mạng.
Chỉ sau một thời gian ngắn, vị sếp của Vân đã phải công nhận rằng, việc lựa chọn cô vào vị trí này là hoàn toàn xứng đáng. Thậm chí, bà còn tự động đề nghị sẽ nâng lương sớm cho cô gái người Việt.
"Tuy đây không phải là công việc tôi chọn, nhưng nó đến như một cơ duyên và tôi sẵn sàng đón nhận cơ hội ấy", Vân nói. Sau hơn 1,5 năm, cô tiếp tục thử sức với lĩnh vực mới là làm chuyên viên Phân tích hệ thống kinh doanh tại Amazon.
Tô Thị Thu Vân (sinh năm 1989)
Nhờ sự chăm chỉ và khả năng cống hiến cho công việc, năm 2020, Vân được đề bạt vào vị trí Quản lý chương trình cấp cao tại trụ sở chính của Amazon theo đúng ước mơ của mình.
Giờ đây, khi nhìn lại chặng đường đã qua, Thu Vân cho rằng, bản thân cô chưa từng có bất kỳ bằng cấp nào tại Mỹ. Nhưng bằng cấp hay điểm số đều không quá quan trọng khi bước vào thị trường lao động. Thay vào đó, ứng viên nên tập trung vào kinh nghiệm và trau dồi kỹ năng nghiệp vụ, chuyên môn
"Điều quan trọng nhất là phải kiên trì, không ngại khó. Đừng ngần ngại đi "gõ cửa" khắp nơi, dù là gõ 300 cánh cửa hay 1.000 cánh cửa đi chăng nữa, thế nào cũng có cánh cửa đang chờ đợi chúng ta.
Và cho dù bản thân có thể bị đánh trượt hàng trăm lần thì đó cũng không được coi là thất bại. Đó chỉ là do chưa tìm được công việc thích hợp mà thôi. Mỗi lần như thế sẽ giúp mình hiểu bản thân hơn, từ đó có thể bù đắp những chỗ còn thiếu. Hãy coi đây là những cơ hội quý giá để rèn luyện bản thân", Thu Vân nói.