Sau gần 1 năm nghiên cứu và quan trắc đảo cát mà người dân hay gọi là "đảo khủng long" ở khu vực bờ biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai thuộc Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Viện Đào tạo và Khoa học ứng dụng miền Trung (Trường ĐH Thủy lợi) vừa tổ chức hội thảo báo cáo kết quả về việc hình thành đảo cát này.
Di chuyển liên tục
Báo cáo có tên: "Nhiệm vụ quan trắc diễn biến, nhận định xu thế và đánh giá ảnh hưởng của cồn cát ngoài khơi biển Cửa Đại", được thực hiện bởi nhóm tư vấn là các chuyên gia của Trường ĐH Thủy lợi, Trường ĐH Xây dựng, cùng GS Marcel Stive - ĐH Công nghệ Delft (Hà Lan).
Theo báo cáo, qua phân tích ảnh vệ tinh cho thấy cồn cát ngoài khơi biển Cửa Đại đã xuất hiện từ lâu nhưng chỉ là những bãi cạn liên tiếp. Sau trận lũ năm 2017, do được bổ sung lượng lớn bùn cát từ khu vực cửa sông (nhờ lũ đẩy ra), phạm vi cồn cát ngầm bắt đầu mở rộng hơn và cao độ mặt cồn dần rộng hơn. Đến khoảng tháng 2-2018, bề mặt cồn cát ngầm bắt đầu phát triển nhanh, tiệm cận với mực nước trung bình và dần nhô lên khỏi mặt nước tạo thành một đảo cát. Đảo cát này dao động trong diện tích từ 11,2 ha đến 14,1 ha, chiều dài 2 điểm xa nhất khoảng 1 km, cách đất liền nơi gần nhất khoảng 1,5 km.

Hình ảnh và vị trí đảo cát trên biển Cửa Đại liên tục có sự thay đổi theo thời gian. (Ảnh do Tổng cục Phòng chống thiên tai cung cấp)
Đáng chú ý, trong 18 lần quan trắc thực hiện trong năm 2019, nhóm tư vấn ghi nhận trước tháng 5, đảo cát rộng 14,1 ha nhưng đến giữa tháng 11 còn 12,6 ha (giảm 1,5 ha). Hình ảnh đảo cát thay đổi liên tục và không có quy luật chung. Vị trí của đảo cát cũng thay đổi liên tục. Trong năm 2019, đảo cát dịch chuyển 120 m lên phía Bắc.
TS Mai Cao Trí, thành viên nhóm tư vấn, cho rằng đảo cát này hình thành do dòng bùn cát từ sông được đẩy ra và lắng đọng lại. Hiện tượng dịch chuyển của đảo cát này khá tương đồng với với xu thế dịch chuyển của một doi cát trong quá khứ.
Cụ thể, năm 1988, trên vùng biển Cửa Đại có một doi cát hình thành cách bờ 2 km, mỗi năm dịch chuyển một ít và đến năm 1995 hợp nhất với bờ biển Cửa Đại, sau đó bị xói lở dần. Đảo cát hiện nay có tốc độ dịch chuyển 120 m/năm, với khoảng cách đến bờ phía Bắc Cửa Đại 1,6 km thì cần khoảng 10 năm để tiến sát bờ biển Cửa Đại đang sạt lở.
Còn nhiều tranh luận
Trên cơ sở nghiên cứu và quan trắc về nguyên nhân hình thành và dịch chuyển của đảo cát, nhóm tư vấn kiến nghị không nên sử dụng các biện pháp cứng hóa đường bờ đảo cát mà để bùn cát của đảo được vận chuyển theo cơ chế tự nhiên hoặc không sử dụng biện pháp bơm chuyển cát từ đảo cát để "nuôi" bãi đến các bờ biển quanh khu vực Cửa Đại.
Dù vậy, nhiều chuyên gia không đồng tình với kết quả nghiên cứu trên. Ông Tạ Ngọc Tân, Vụ Khoa học - Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Phòng chống thiên tai), cho rằng việc so sánh đảo cát này với đảo cát hình thành năm 1988 là khập khiễng. Ông Tân dẫn chứng, trước đây trên thượng nguồn sông Thu Bồn chưa có thủy điện, chưa xây cầu cống, chưa khai thác cát nhiều như bây giờ nên có thể lượng cát lớn từ trong sông đổ ra biển. Trong khi đó, kết quả quan trắc cho thấy đảo cát bị biến động, giảm 1,5 ha so với trước. Vì thế, ông Tân tỏ ra nghi ngờ về việc nhóm chuyên gia dự báo khoảng 10 năm nữa, đảo cát sẽ dịch chuyển vào bờ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, nhận định xu thế bồi tụ đảo cát là từ phía ngoài vào chứ không phải cát bồi từ trong sông ra như nhận định của nhóm chuyên gia. Do vây, theo ông Hùng, nếu không xác định chính xác việc hình thành đảo cát này thì khó có biện pháp phù hợp trước sự hình thành của nó.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, đánh giá đây là vấn đề phức tạp khi các kết quả nghiên cứu đến thời điểm này còn nhiều quan điểm khác nhau. Vì vậy, cần phải tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu để đưa ra các giải pháp trong tương lai.