Giảm giá - lối thoát của thị trường nhà đất?
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có thư ngỏ gửi tới lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản. Trong đó dẫn ra nhiều khuyến nghị nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19. Từ việc ghi nhận thông tin về nền kinh tế thế giới đã bước vào thời kỳ suy thoái, mà theo nhiều tổ chức nghiên cứu quốc tế, thậm chí còn có khả năng tồi tệ hơn năm 2009, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết tình hình thị trường bất động sản trong nước sẽ nằm trong xu thế sụt giảm chung, buộc các doanh nghiệp phải có giải pháp để tồn tại.
Theo đó, Chủ tịch HoREA đã đưa ra một số giải pháp cụ thể: Thứ nhất, triệt để tuân thủ các quy định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các chỉ dẫn của ngành y tế về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Trong giai đoạn dịch diễn biến khó lường như hiện nay, các doanh nghiệp tuyệt đối không tổ chức các sự kiện đông người như tiếp thị, mở bán sản phẩm, động thổ, khởi công, khánh thành, lễ bàn giao nhà…; hạn chế các cuộc họp không cần thiết, chuyển sang sử dụng phương thức hội nghị trực tuyến.
Đáng lưu ý, theo Chủ tịch HoREA, doanh nghiệp cũng nên thực hiện các phương thức hỗ trợ đối tác thuê nhà, thuê mặt bằng như giảm giá cho thuê, giãn tiến độ trả tiền thuê, miễn tiền thuê trong một thời gian. Đồng thời xem xét giảm giá bán nhà, tăng chiết khấu.
Tái cấu trúc lại doanh nghiệp, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà xã hội, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng.
HoREA cũng khuyên các doanh nghiệp bất động sản có cơ sở lưu trú như khách sạn, condotel có thiện nguyện trở thành cơ sở lưu trú cách ly phòng dịch COVID-19 thì đăng ký với UBND TP HCM, hoặc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để làm cơ sở cách ly.
Một trong những cách thức mà doanh nghiệp bất động sản cần chú trọng xem xét là giảm giá nhà đất, để có thể tiếp tục tồn tại trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh. Ảnh minh họa: V. Dũng
Ông Châu cho biết, hiệp hội đã đề xuất với Chính phủ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản vượt qua đại dịch và chuẩn bị phục hồi hoạt động trở lại sau đại dịch như gia hạn thuế, không xử phạt các doanh nghiệp và các cá nhân nộp chậm quyết toán thuế; mở rộng diện được miễn giảm thuế để hỗ trợ các hộ gia đình đang chịu tác động nặng nề của đại dịch, xem xét giảm lãi vay và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản...
Trước đó, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ, thị trường bất động sản phát triển sẽ kéo theo nhiều ngành, nghề khác phát triển, tác động tích cực đến nền kinh tế. Đó là chưa kể tiền thuế thu được từ doanh nghiệp, từ chuyển nhượng bất động sản… chắc chắn sẽ tăng lên. Ngược lại, nếu không được hỗ trợ, thị trường sẽ lâm vào khó khăn như nhiều năm trước, kéo theo sự đổ vỡ của hàng nghìn nhà thầu, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, vật liệu xây dựng…
Ông Nam cũng đưa ra một số đề xuất "giải cứu" doanh nghiệp bất động sản. Trong đó bao gồm việc bổ sung doanh nghiệp bất động sản là đối tượng được xem xét gia hạn nộp thuế của dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cụ thể các doanh nghiệp bất động sản được giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất.
Thứ hai, đề xuất bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân vào các sắc thuế được xem xét gia hạn nộp thuế của dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó các doanh nghiệp bất động sản.
Thứ ba, đề xuất xem xét kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế của các sắc thuế nêu trên cho các doanh nghiệp là một năm thay vì 5 tháng do ảnh hưởng của đại dịch dự kiến sẽ kéo dài.