Để lựa chọn vị trí đặt ga ngầm C9, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, cần đảm bảo nhà ga thực hiện đúng công năng vận tải và bảo tồn di tích quốc gia theo đúng quy đinh pháp luật.
Nhà ga ngầm C9 cách chân Tháp Bút chỉ 8,2m, cách gò đá chân tháp chỉ 1m
Việc đặt nhà ga ngầm đường sắt đô thị ven Hồ Gươm đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía các chuyên gia, nhà khoa học. Nhiều ý kiến lo ngại công trình giao thông này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới khu di tích quốc gia đặc biệt, mang đến những tiềm ẩn về rủi ro cho Tháp Bút và Hồ Gươm.
Theo đó, hầm nhà ga C9 cách chân Tháp Bút 8,2m, cách gò đá chân tháp 1m; thân ga (dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m, 3 tầng) nằm chính dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa hồ Hoàn Kiếm.
Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga tới Hồ Hoàn Kiếm 10m, tượng đài cảm tử 81m, đền Bà Kiệu 83m, vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120m, Tháp Bút 36m. Nhà ga có phần nằm trong khu vực bảo vệ 2 (khu vực bao quanh vùng lõi) của di tích quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 30/8, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo do TP. Hà Nội làm cơ quan chủ quản đầu tư. Trong đó, việc lựa chọn vị trí đặt ga C9 đang cho thấy sự hết sức thận trọng của TP. Hà Nội và các bộ ngành liên quan.
Đường sắt đô thị Hà Nội đoạn số 2: Chậm tiến độ 10 năm, xin tăng vốn hơn 16 nghìn tỷ đồng
Theo ông Đông, lựa chọn vị trí đặt ga có nhiều tiêu chí: Vị trí đặt ga cần thuận lợi cho sự di chuyển của hành khách, thuận lợi cho công tác vận tải, quản lý dự án. Do đó, TP. Hà Nội cần tính toán tham vấn các ý kiến của các cơ quan bộ ngành, chuyên gia, nhà khoa học và đã công khai lấy ý kiến của người dân.
Một phần ga của C9 năm trong khu vực bảo vệ 2 của Hồ Hoàn Kiếm, theo chức năng, Bộ Văn hoá thể thao và du lịch sẽ phải có những ý kiến về việc quản lý các di tích.
"Để giải quyết vấn đề này và lựa chọn được vị trí đặt ga phù hợp, tôi cho rằng phải có đánh giá tác động môi trường, tác động di tích và việc quản lý di tích. Với trách nghiệm của mình, Hà Nội sẽ phải làm việc này và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo nhà ga thực hiện đúng công năng vận tải và bảo tổn di tích quốc gia theo đúng quy đinh pháp luật", ông Đông khẳng định.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng tuyến Đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo là dự án trọng điểm quốc gia của TP. Hà Nội, sử dụng vốn ODA của Nhật Bản. Chiều dài toàn tuyến khoảng 11,5km; đoạn trên cao dài khoảng 2,6km; đoạn ngầm dài khoảng 8,9km; khu Depot rộng 17,5ha tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm.
Dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại quyết định đầu tư số 2054/QĐ - UBND ngày 13/11/2008. Đến nay, sau 15 năm nghiên cứu với rất nhiều lần lấy ý kiến, điều chỉnh quy hoạch vị trí và thiết kế, dự án ga ngầm C9 vẫn chưa thể thống nhất phương án xây dựng do vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía chuyên gia và dư luận.
Nếu cứ tiếp tục kéo dài, công tác chuẩn bị triển khai dự án này rất có thể sẽ đi vào "ngõ cụt".