Từ cuối năm ngoái, Manulife trở thành nhà phân phối độc quyền bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng của VietinBank trong 16 năm. Đây trở thành thương vụ chốt sổ cho một năm sôi động của thị trường bancassurance. Trước đó, nhiều nhà băng như Sacombank, MSB, VPBank, VietBank... cũng nhảy vào mảng bán các sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng.
Các hợp đồng bancassurance liên tiếp được ký giúp nhiều ngân hàng chuẩn bị ghi nhận mức thu nhập phí khủng. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, VietinBank có khả năng ghi nhận khoản phí trả trước lớn, giúp lợi nhuận tăng lên đến khoảng một tỷ USD.
Còn chứng khoán SSI tính toán, mức phí trả trước mà ngân hàng này nhận được từ thỏa thuận bancassurance độc quyền với Manulife vào khoảng 350 triệu USD. Theo đó, trong 5 năm tới, thu nhập từ kênh bán chéo bảo hiểm của VietinBank sẽ tăng 30-50% so với cùng kỳ.
Mức đóng góp của kênh bancassurance rất lớn khi so với tổng thu nhập của nhà băng này. Năm 2020, tổng thu nhập của Vietinbank đạt 45.280 tỷ đồng, trong khi 9 tháng năm ngoái đạt hơn 39.260 tỷ đồng.
Tương tự, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) ước tính hợp đồng với Prudential có thể đem về cho MSB khoản phí trả trước lên đến 3.500 tỷ đồng. Mức này bằng khoảng 45% tổng thu nhập của ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2021.
Trong khi đó, theo Yuanta Việt Nam, VPBank có thể thu 8.000 tỷ đồng phí trả trước từ bancassurance, con số này với Techcombank là khoảng 1.500 tỷ đồng. Hoạt động bán chéo bảo hiểm sẽ đóng góp khoản lớn trong thu nhập của hai nhà băng này. 9 tháng năm ngoái, hai ngân hàng này ghi nhận tổng thu nhập lần lượt hơn 33.230 tỷ đồng và 26.900 tỷ đồng
Thực tế năm qua, thu nhập phí, trong đó có bancassurance trở thành điểm sáng của nhiều ngân hàng. VCBS thống kê doanh số bán bảo hiểm của 14 ngân hàng tham gia cho thấy, hơn 10.200 tỷ đồng đã chảy qua kênh bancassurance trong 10 tháng năm ngoái.
Trong đó, VIB dẫn đầu thị trường với doanh số khoảng 1.285 tỷ đồng. Năm 2021, ngân hàng này ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt gần 15.000 tỷ đồng. Thu nhập từ phí do các sản phẩm dịch vụ như bancassurance và thẻ, đóng góp gần 20%. Theo tính toán của Chứng khoán SSI, bán lẻ bảo hiểm thường chiếm 20% lợi nhuận trước thuế của VIB.
Năm ngoái, MSB cũng ghi nhận nguồn thu ngoài lãi tăng trưởng 92% so với năm 2020. Một trong những khoản đóng góp nhiều nhất là doanh thu hoạt động dịch vụ. Còn với HDBank, mảng bancassurance đã đưa ngân hàng này vươn lên vị trí thứ 6-7 về thị phần phí bảo hiểm quy năm (APE), theo Chứng khoán SSI.
Các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động bán chéo bảo hiểm, theo VCBS, do nhiều đơn vị ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng của thu nhập phí bảo hiểm thuần.
Trong khi đó, chia sẻ với VnExpress, ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó tổng giám đốc Vietinbank cho biết, các ngân hàng tích cực tham gia bán chéo bảo hiểm còn do sức cầu lớn khi người dân ngày càng quan tâm đến đời sống sức khỏe. Ông cho rằng: "Dịch bệnh khiến cuộc sống bấp bênh, ta không thể thay đổi cuộc sống, nhưng ít nhất có thể bảo vệ cuộc sống bằng bảo hiểm".
Theo đại diện Vietinbank, tín dụng sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới nhờ các động thái hỗ trợ vĩ mô và sự phân bổ nguồn vốn vào các ngành nghề hợp lý. Vì thế, ông Lân không xem bán chéo bảo hiểm là phương hướng mới cho ngân hàng để bù đắp vào mảng tín dụng. Nhà băng này xác định cần hài hòa, đa dạng hóa các sản phẩm cung cấp cho khách hàng và bancassurance sẽ trở thành sản phẩm có thể bổ trợ cho hệ sinh thái bên cạnh tín dụng, đầu tư...
Về triển vọng thị trường, ông Gaurav Sharma - Tổng giám đốc BIDV MetLife dự đoán rất tích cực khi Việt Nam vẫn là thị trường không dễ thâm nhập và tỷ lệ những người được bảo hiểm vẫn chưa cao, chỉ khoảng 11%. Nhờ tác động của đại dịch, thị trường tiếp tục có đà tốt để tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay.
Theo ông, một số hợp đồng bancassurance được ký kết gần đây giúp các công ty bảo hiểm có thể tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng lớn hơn. Trong bối cảnh bình thường mới, các hoạt động tương tác với khách hàng có thể phục hồi về mức trước Covid-19, thúc đẩy hoạt động bán hàng mạnh mẽ.
"Các cơ quan chức năng cũng đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của bảo hiểm cũng như pháp luật về kinh doanh bảo hiểm để đến năm 2025, Việt Nam đạt mục tiêu 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ", ông Sharma nói thêm.