TS. Châu Đình Linh – Đại học Ngân hàng TP HCM.
Mặc dù đã là trong tháng cuối năm 2021, song nhiều ngân hàng vẫn thông báo chào bán trái phiếu với quy mô lớn như LienVietPostBank chào bán tới 40 triệu trái phiếu với tổng giá trị theo mệnh giá là 4.000 tỷ đồng, Agribank phát hành 2 triệu trái phiếu ra công chúng kỳ hạn 7 năm với tổng giá trị dự kiến 2.000 tỷ đồng… Để hiểu rõ hơn hoạt động này của các ngân hàng, phóng viên đã có cuộc trao đổi ngắn với TS. Châu Đình Linh – Đại học Ngân hàng TP HCM.
- Vì sao các ngân hàng lại tăng cường phát hành trái phiếu trong giai đoạn này, thưa ông?
- Chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là kết thúc năm 2021, nên các ngân hàng đang phải xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm tới. Do đó, giai đoạn này các ngân hàng phải chuẩn bị nguồn vốn huy động cả ngắn hạn, trung dài hạn để phục vụ cho vay, đầu tư cho năm tới làm sao tạo cấu trúc vốn tốt, vừa giúp ngân hàng hiện thực hoá các mục tiêu kinh doanh, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả. Theo đó, họ xem xét kênh huy động vốn nào đang thuận lợi hơn ưu tiên triển khai trước.
Hiện tại kênh huy động tiền gửi tiết kiệm có dấu hiệu chững lại trước sức nóng của thị trường chứng khoán thì trái phiếu vẫn là lựa chọn tốt để hút vốn trong bối cảnh hiện nay. Vì phát hành trái phiếu giúp ngân hàng vừa tăng cường nguồn vốn huy động trung dài hạn đáp ứng nhu cầu cho vay trung dài hạn, đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả, vừa tăng quy mô vốn tự có, góp phần cải thiện tỷ lệ CAR và các tỷ lệ bảo đảm an toàn khác lại nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng thông qua đa dạng hóa các sản phẩm huy động vốn trên thị trường…
- Ông đánh giá thế nào về khả năng thành công của các đợt phát hành trái phiếu này?
- Tôi nghĩ là các đợt phát hành trái phiếu của ngân hàng trong giai đoạn này đều sẽ thành công. Thời điểm trước việc phát hành trái phiếu ngân hàng có thể chịu áp lực cạnh tranh lãi suất cao từ trái phiếu doanh nghiệp. Nhưng thời điểm này, hoạt động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang được kiểm soát chặt. Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hướng chặt chẽ hơn trước những bất cập tình trạng trái phiếu "3 không" (không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh) đang tràn lan trên thị trường, tiềm ẩn rủi ro lớn cho các trái chủ.
Khi quy định mới chính thức áp dụng sẽ loại bỏ những trái phiếu "rác", khiến thị trường trái phiếu trở nên minh bạch hơn, bảo vệ tốt hơn cho các nhà đầu tư. Trong bối cảnh đó, trái phiếu ngân hàng chắc chắn phát hành thành công vì được nhà đầu tư tin tưởng, yên tâm về độ tín nhiệm, mục đích sử dụng vốn rõ ràng… Đặc biệt, ngành Ngân hàng có sức ảnh hưởng đến nền kinh tế.
- Việc phát hành trái phiếu với lãi suất cao hơn có tác động đến mặt bằng lãi suất ngân hàng không, thưa ông?
- Tôi nghĩ rằng, không tác động đáng kể. Nhưng nếu có cũng là phù hợp. Vì kênh tiết kiệm đang chịu sức ép từ thị trường chứng khoán nên việc tăng lãi suất huy động để hút dòng tiền quay trở lại ngân hàng, nhất là vốn dài hạn cũng là cần thiết. Bởi nền kinh tế đang cần có nguồn vốn ngân hàng để bổ sung vốn lưu động doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu thanh toán hàng hoá. Nhất là để triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau Covid cần phải nguồn vốn quy mô đủ lớn đủ dài đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế.
- Ông nhận định thế nào về việc gần đây các ngân hàng có xu hướng huy động vốn ngoại nhiều hơn?
- Tôi thấy đây là động thái tích cực dù cuộc chơi này không phải dành cho tất cả các ngân hàng mà chỉ dành cho những ngân hàng quy mô lớn, xếp hạng tín nhiệm cao. Song các ngân hàng nên tranh thủ làm trong giai đoạn này. Bởi thị trường tài chính Việt Nam đã liên thông với thị trường quốc tế. Thời điểm này nhiều tổ chức quốc tế có chương trình cho vay phục hồi kinh tế với lãi suất tốt, thời hạn dài và điều kiện không quá khắt khe. Do vậy, các ngân hàng tranh thủ tận dụng kênh huy động vốn này để có thêm nguồn vốn, đặc biệt là vốn dài hạn để triển khai kế hoạch kinh doanh dài hơi hơn trong giai đoạn tới.
- Xin cảm ơn ông!