Theo đánh giá của Cục Quản lý giá, về cơ bản, đa số các doanh nghiệp được kiểm tra đã chấp hành các quy định về quản lý hoạt động thẩm định giá và tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam. Một số thiếu sót mà các doanh nghiệp được kiểm tra trong năm 2018 thường mắc phải đã ít gặp hơn trong năm 2019 như: về lưu trữ kế hoạch thẩm định giá tại hồ sơ thẩm định giá, về sử dụng phương pháp thẩm định giá thứ 2 để kiểm chứng...
Ảnh minh họa
Cũng theo Cục Quản lý giá, đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thẩm định giá (như không thông báo cho Bộ Tài chính khi thay đổi danh sách thẩm định viên; chậm gửi Báo cáo tình hình doanh nghiệp định kỳ hàng năm; không thực hiện đúng quy trình thẩm định giá; lưu trữ hồ sơ thẩm định giá không đúng theo quy định của pháp luật...), các đoàn kiểm tra đều lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và tiến hành xử phạt theo quy định.Đặc biệt, kết quả kiểm tra một số doanh nghiệp cho thấy các doanh nghiệp này đã có ý thức chấp hành pháp luật về thẩm định giá tốt hơn, các thiếu sót trước đây cơ bản được khắc phục mặc dù vẫn tồn tại một vài thiếu sót về mặt kỹ thuật. Việc chấm điểm đánh giá chất lượng thẩm định giá thực hiện theo thông tư mới (Thông tư số 25/2019/TT-BTC ngày 22/4/2019 của Bộ Tài chính) đã đánh giá toàn diện và chính xác hơn về chất lượng và năng lực của doanh nghiệp thẩm định giá.
Qua kiểm tra hồ sơ thẩm định giá tại doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp còn một số tồn tại, thiếu sót về mặt kỹ thuật trong quá trình thẩm định giá, cần được chấn chỉnh trong thời gian tới. Nguyên nhân chủ yếu là do một số doanh nghiệp còn chưa quán triệt đầy đủ và kịp thời các quy định mới của pháp luật về thẩm định giá.
Một số doanh nghiệp chưa thực hiện tốt việc rà soát, kiểm soát chất lượng thẩm định giá nội bộ tại doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư 323/2016/TT-BTC và Thông tư số 25/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, một số thẩm định viên còn thiếu kinh nghiệm thẩm định giá và hiểu biết chưa sâu về tài sản thẩm định giá và thị trường của tài sản thẩm định giá nên chưa có những đánh giá, biện luận cần thiết để có kết luận phù hợp về giá trị của tài sản thẩm định giá.
Trước thực tế trên, Bộ Tài chính đã yêu cầu tổng giám đốc, giám đốc các doanh nghiệp thẩm định giá thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam trong quá trình thực hiện thẩm định giá. Đồng thời, tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật, trước hết là Hệ thống Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam.
Tính đến nay, có khoảng 300 doanh nghiệp thẩm định giá đang hoạt động, với khoảng 1.400 thẩm định viên về giá đang hành nghề.