Trong những năm gần đây, nhất là giai đoạn 2016 - 2020, hạ tầng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có những cải thiện so với trước. Nhiều công trình cầu, đường đã được xây dựng, khởi công và hoàn thành, nối liền các bến bờ vui cho mảnh đất trù phú phía Nam.
Công trình đầu tiên được kể đến là cầu Cao Lãnh dài hơn 2 km - cây cầu dây văng lớn thứ 3 bắc qua sông Tiền, nối liền TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp. Hai cây cầu lớn qua sông Tiền khác là cầu Rạch Miễu nối tỉnh Tiền Giang - Bến Tre và cầu Mỹ Thuận nối tỉnh Tiền Giang - Vĩnh Long.
Cầu Cao Lãnh được hoàn thành năm 2018 sau 4 năm khởi công với tổng kinh phí trên 3.000 tỷ đồng từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia, vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á và đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Cầu thay thế phà Cao Lãnh hoạt động hơn 100 năm, kết nối tạo điều kiện cho người dân từ Kiên Giang qua Đồng Tháp Mười lên TP HCM. Ảnh: Google Map
Được khánh thành năm 2019, cầu Vàm Cống nối liền đôi bờ sông Hậu giữa quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) và huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp). Cầu có chiều dài gần 3 km, kết nối trung tâm ĐBSCL và dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây. Cầu Vàm Cống khi được đưa vào sử dụng giúp người dân không còn phải sử dụng phà như trước kia.
Sau khi thông xe, cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống sẽ giúp rút ngắn hơn 20 km và tiết kiệm gần 2 tiếng di chuyển cho người dân từ An Giang, Kiên Giang qua Đồng Tháp Mười, lên TP HCM. Ảnh: Google Map
Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được thông xe vào tháng 1 năm nay, sau 4 năm thi công. Dự án có chiều dài 51 km, điểm đầu tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, điểm cuối tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Tuyến đường giúp thời gian di chuyển từ Kiên Giang qua Đồng Tháp chỉ còn 60 phút thay vì 1 giờ 30 phút như trước kia.
Ngoài ra, tuyến này còn kết nối trực tiếp với cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (Đồng Tháp) và tuyến cao tốc N2 (Đức Hòa - Long An đến Mỹ An) để tạo thành tuyến đường liền mạch dài hơn 150 km xuyên suốt các tỉnh miền Tây. Ảnh: VnExpress/Cửu Long
Cầu Mỹ Thuận 2 được thi công xây dựng vào tháng 8/2020 với tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng bằng ngân sách Nhà nước. Cây cầu và đường dẫn 2 đầu cầu là dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020, dự kiến hoàn thành năm 2023.
Dự án kết nối cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thuộc Vĩnh Long. Khi hoàn thành, dự án sẽ tạo thành tuyến giao thông huyết mạch từ TP HCM đi Cần Thơ, giảm tải cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu.
Tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được khởi công đầu năm nay, kết nối với tuyến TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận. Dự án có chiều dài gần 23 km, điểm đầu tại TP Vĩnh Long (Đồng Tháp) còn kết thúc tại thị xã Bình Minh (Vĩnh Long). Dự kiến, cao tốc này được hoàn thành cơ bản vào năm 2022 và đưa vào khai thác toàn bộ giai đoạn một vào năm 2023.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trong tổng thể trục đường cao tốc từ TP HCM đến Cần Thơ, là một bộ phận của trục cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Đồ họa: Bảo Linh
Giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn trung tương đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL hơn 29.400 tỷ đồng. Nhiều dự án giao thông lớn đã hoàn thành giai đoạn này như tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, cầu Rạch Miễu 2, cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh, cầu Cổ Chiên, cầu Mỹ Lợi...
Tuy nhiên trong quá trình triển khai, việc đầu tư hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL vẫn chưa có sự tương xứng với tiềm năng của vùng. Toàn vùng có hơn 100 km đường cao tốc đưa vào sử dụng, bằng khoảng 10% tổng chiều dài cao tốc cả nước. Cá biệt, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 52 km nhưng hơn 11 năm chưa hoàn thành do thiếu vốn, đổi chủ đầu tư, khó khăn trong giải phóng mặt bằng... Dự kiến cuối năm nay, tuyến này mới đi vào hoàn thành theo cam kết của đơn vị thi công.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng hạ tầng giao thông chậm phát triển, không đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa con người hàng chục năm qua đang là cản trở lớn nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL và TP HCM. Ông Nhân chỉ ra 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng vừa nêu.
Thứ nhất là nhận thức về vai trò của ĐBSCL đối với sự phát triển của TP HCM và ngược lại chưa đầy đủ nên việc quy hoạch, triển khai hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, thiếu phối hợp, chưa tập trung vào dự án trọng điểm.
Thứ hai là đầu tư ngân sách không tương xứng với sự phát triển kinh tế của ĐBSCL và TP HCM. Quy mô kinh tế của ĐBSCL vàTP HCM (GRDP) chiếm 42% cả nước, song đầu tư cho giao thông thời kỳ 2011 - 2015 và 2016 - 2020 lần lượt là 20% và 26% so với mức đầu tư của cả nước.
Nguyên nhân thứ ba là mức độ xã hội hóa cho đầu tư hạ tầng giao thông ở ĐBSCL và TP HCM rất thấp, chỉ chiếm khoảng 4% tổng mức đầu tư và 96% tổng đầu tư là từ ngân sách.
Nhiệm kỳ 2021 - 2025, Bộ GTVT xác định sẽ tập trung vào các tuyến giao thông mang tính chất đột phá của vùng, lên kế hoạch đầu tư 7 tuyến đường bộ cao tốc với tổng vốn đầu tư hơn 64.500 tỷ đồng.
Trong đó, nhu cầu vốn giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 37.200 tỷ đồng, bao gồm các đoạn: Cần Thơ - Cà Mau, Chơn Thành - Đức Hòa, Đức Hòa - Mỹ An, Mỹ An - Cao Lãnh, An Hữu - Cao Lãnh (thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.
Giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ đặt quyết tâm tập trung đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu cho khu vực ĐBSCL. Tầm nhìn đến năm 2050, ĐBSCL được xác định theo 2 khía cạnh: "Nơi sống tốt" khi nhìn từ bên trong vùng và "Nơi đáng đến" khi nhìn từ ngoài vùng.