Trải qua 6 thập kỷ khởi nguồn và phát triển, các thế hệ người lao động Dầu khí luôn nỗ lực phấn đấu, quyết tâm xây dựng Ngành Công nghiệp Dầu khí mạnh.
Đến nay, Ngành Dầu khí Việt Nam, chủ lực là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã tiến những bước dài, phát triển từ "không đến có", trở thành niềm tự hào to lớn, là đầu tàu kinh tế của đất nước Việt Nam.
Qua 6 thập kỷ, Petrovietnam trải qua các thời kỳ với mô hình hoạt động khác nhau: Tổng cục Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, đến nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Petrovietnam đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp khí, điện và dịch vụ dầu khí.
Từ chỗ không có dầu khí, đến nay công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí đã xác định được trữ lượng dầu khí của các phát hiện tới trên 1,4 tỉ tấn quy dầu và đã nghiên cứu đánh giá tiềm năng còn lại của Việt Nam là 1,6-2,8 tỉ tấn quy dầu; đã khai thác được 414,3 triệu tấn dầu và 168,6 tỷ m3 khí. Với trữ lượng đã phát hiện và tiềm năng dầu khí đủ khả năng cân đối bền vững cho hoạt động khai thác, bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước trong những thập niên tới.
Giàn khai thác khí Sao Vàng CPP
Cảng XNK tại Vũng Tàu
Tập đoàn đã hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, luôn ở trong tốp đầu những doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào ngân sách Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội. Hiện, quy mô tài sản của Tập đoàn hợp nhất xấp xỉ 41 tỷ USD, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn là xấp xỉ 21 tỷ USD. Chỉ tính từ năm 1986 cho tới hết năm 2020, tổng doanh thu của Tập đoàn đạt gần 400 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước trên 110 tỷ USD.
Có những thời kỳ nộp ngân sách chiếm tới gần 30% GDP của cả nước. Tập đoàn đã trở thành nòng cốt, là hạt nhân trong việc hình thành các khu công nghiệp tập trung tại: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai - Hiệp Phước, Cà Mau, Dung Quất - Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Vũng Áng - Hà Tĩnh, Nghi Sơn - Thanh Hóa...