Tại buổi làm việc với VKBIA, ông Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu - cho biết Lai Châu có diện tích lớn, có tiềm năng thế mạnh để phát triển nông lâm nghiệp; công nghiệp khai khoáng; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, tiềm năng phát triển du lịch.
Hiện Lai Châu đã thu hút được vốn ODA với tổng số vốn là 2.199 tỷ đồng, tỉnh mong muốn VKBIA hỗ trợ kết nối Lai Châu với các dự án nhà đầu tư ODA vào lĩnh vực nâng cấp các cơ sở y tế xã, huyện, tỉnh nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, tư vấn cách thức tổ chức để thực hiện xúc tiến thương maị, đầu tư với DN Hàn Quốc, triển lãm nông nghiêp quốc tế, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng ca và ứng dụng công nghệ thông tin.
Tại buổi làm việc, ông Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA), bày tỏ sự cảm ơn tới lãnh đạo tỉnh Lai Châu đã dành thời gian đón tiếp đoàn. Đại diện VKBIA đánh giá cao những tiềm năng, thế mạnh, thành tựu kinh tế xã hội của Lai Châu cũng như nỗ lực của tỉnh trong triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua.
VKBIA cũng đã trao đổi, đề xuất hợp tác với UBND tỉnh thu hút nguồn vốn đầu tư của Hàn Quốc vào các lĩnh vực có tiềm năng và thế mạnh của tỉnh như các dự án phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch xanh… nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả vùng, cả nước, phát huy thế mạnh tự nhiên và du lịch. Thu hút nguồn vốn ODA và hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các dự án cải tạo, xây mới cơ sở hạ tầng trường học, trạm y tế, giao thông, tạo điều kiện cho người dân có vốn tăng gia sản xuất... nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
VKBIA cũng chia sẻ sẵn sàng là nhà tư vấn, tổ chức hỗ trợ UBND tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Lai Châu, qua đó mời các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc đến tham dự và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh Lai Châu. Ngoài ra, VKBIA đề xuất hỗ trợ UBND tỉnh trong việc tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc nhằm giới thiệu các dự án, cơ hội đầu tư tiềm năng và quảng bá du lịch Lai Châu đến với các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hàn Quốc và người dân Hàn Quốc đạt hiệu quả cao.
VKBIA sẽ phối hợp với tỉnh Lai Châu trong các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng và ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực đào tạo cho các sở ban ngành, doanh nghiệp, trường đại học, trường học… trên địa bàn tỉnh; ứng dụng khoa học công nghệ cao để khai thác tối đa nguồn dược liệu phong phú và quý hiếm trên địa bàn tỉnh để nâng cao giá trị dược liệu góp phần tăng trưởng kinh tế và tạo nét đặc trưng vùng miền.
Ngoài ra, VKBIA sẽ phối hợp với tỉnh về phương án khai thác và phát triển cửa khẩu Ma Lù Thàng trở thành trung tâm Thương mại cửa khẩu giao thương với Trung Quốc, xúc tiến các hoạt động thương mại giữa hai nước, đóng góp lớn cho sự phát triển giao lưu văn hóa, kinh tế và trở thành cầu nối quan trọng. Phối hợp với tỉnh có phương án nâng cao giá trị nông sản tại tỉnh như mắc ca, quế, sơn tra…ứng dụng công nghệ cao từ khâu trồng trọt đến chế biến, đồng thời thu hút các nhà nhập khẩu nước ngoài để đưa nông sản Lai Châu vươn tầm thế giới.
Nhân dịp này, VKBIA đã trao tặng UBND tỉnh Lai Châu, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu 5.000 khẩu trang y tế, 300 khẩu trang vải kháng khuẩn, 800 chai tuýp gel sát khuẩn tay, 20 can dung dịch phun diệt virus, sát khuẩn ASFA và nhiều đồ dùng thiết yếu phục vụ cho công tác phòng chống dịch để hỗ trợ biên phòng tuyến đầu phòng chống dịch. Đại tá Phan Hồng Minh – Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lai Châu, đã tiếp nhận, phân bổ và sẽ chuyển đến các đồn biên phòng và các chốt phòng dịch tại các đường ngang, lối mở để hỗ trợ công tác phòng chống dịch.
Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc mong muốn thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu, xúc tiến đầu tư các dự án vào tỉnh Lai Châu vào các lĩnh vực có tiềm năng và thế mạnh của tỉnh như các dự án phát triển cảng biển, phát triển hàng không, dịch vụ du lịch – thương mại, dịch vụ y tế bệnh viện, khu công nghệ cao, khu công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao.