Sự kiện thuộc chuỗi Diễn đàn Kinh tế Xanh thường niên do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 19-9.
TS Nguyễn Quốc Việt đã chỉ ra hàng loạt thách thức với doanh nghiệp hiện nay, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu đi châu Âu (EU) với hàng loạt chính sách xanh tạo rào cản hạn chế xuất sang thị trường này. Nếu doanh nghiệp không lên kế hoạch giảm lượng khí thải carbon sẽ khó cạnh tranh và giữ được vị thế trên thị trường do rào cản về chi phí thuế và vấn đề uy tín. Chính sách định hướng và người tiêu dùng sẽ lựa chọn và loại bỏ dần các sản phẩm không trong danh mục xanh.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và nhiều thách thức về rào cản ở thị trường trường quốc tế, các doanh nghiệp cần hành động và việc thực hành ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) để hướng tới thực hiện tăng trưởng xanh. Bởi ESG là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng, tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng.
Trước những thách thức trên, TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu về chính sách chuyển đổi xanh, thường xuyên cập nhật các chính sách xanh liên quan tới sản phẩm và dịch vụ. Doanh nghiệp cần chuẩn bị và hành động từ sớm, nhất là thực hành ESG; áp dụng ESG trong quản trị. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tăng cường năng lực như vốn, công nghệ, kỹ thuật, nhân lực, quản trị…
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là chủ đề được quan tâm, cũng có một phần dòng vốn chảy vào các lĩnh vực phát thải carbon thấp. Ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Ngân hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam, định nghĩa các ngành carbon thấp là ngành giảm thiểu khí thải nhà kính và tập trung vào các hoạt động bền vững. Các ngành này bao gồm năng lượng tái tạo, các ngành công nghiệp tuần hoàn như tái chế nhựa và kim loại, nông nghiệp bền vững, giao thông xanh, tòa nhà xanh, quản lý chất thải…
Từ góc độ đơn vị cấp tín dụng, đại diện UOB cho biết muốn vay xanh cần có đủ các tiêu chí cần thiết. Đầu tiên, khách hàng phải có uy tín tốt, dự án khả thi về mặt tài chính. Thứ hai là tìm kiếm một dự án "xứng đáng" và sau đó phải giám sát liên tục. Một doanh nghiệp tốt, một dự án khả thi, một mục tiêu bền vững thực sự, đó là ba yếu tố ngân hàng tìm kiếm trong tài chính xanh…