Dưới đây là những kinh nghiệm sau 8 năm khởi nghiệp do anh Phạm Ngọc Thành - chủ doanh nghiệp phụ gia nhựa chia sẻ với bạn đọc.
Tôi là nhân vật trong bài viết "Doanh thu 20 tỷ từ số vốn 50 triệu đồng" trên báo gần đây. Cơ sở phụ gia nhựa hiện nay của tôi được gây dựng từ số vốn 50 triệu đồng, sau nhiều thăng trầm giờ đã mang lại doanh thu hàng chục tỷ và đang có những phát triển tích cực.
Gần 15 năm đi làm, trong đó 8 năm trực tiếp là chủ doanh nghiệp nên tôi cũng thấu hiểu một phần nào đó doanh nghiệp nhỏ mới thành lập dễ bị phá sản. Trong kinh doanh, đôi khi nó khắc nghiệt như một cuộc chiến, hoặc có thể bị tàn phá một cách âm thầm như căn bệnh ung thư ngấm dần vào mọi bộ phận của cơ thể doanh nghiệp đó nếu không biết cách điều trị.
Để tránh bị rơi vào phá sản, doanh nghiệp nhỏ phải chú trọng vào nhiều yếu tố như cách sử dụng vốn hiệu quả, tạo ra được sản phẩm đặc thù, có kế hoạch khoa học...
Tôi quan sát và thấy rằng, hiện nay việc mở doanh nghiệp ngày càng nhân rộng, có xu hướng trở thành trào lưu của một bộ phận giới trẻ và những người đang đi làm nhưng có "máu" kinh doanh hoặc đang bị ức chế ở nơi làm việc... Thế nhưng, tôi thấy nhiều bạn trẻ đang bị ảo mộng hoặc đang bị thuyết "làm giàu siêu tốc" hay "kinh doanh kiếm tiền tỷ trong thời gian ngắn"… dẫn đến lầm tưởng. Tôi chỉ muốn nói rằng, làm giàu nhanh và dễ là điều không thể bởi cái gì cũng vậy, càng lớn nhanh càng chết sớm. Doanh nghiệp muốn tồn tại thì phải lớn lên từng bước, tức các bạn hãy từ từ đi nhưng thật vững chắc.
Do đó, ngoài những đức tính và cơ hội cần có để doanh nghiệp phát triển thì cần chú trọng thêm những yếu tố sau để giúp doanh nghiệp nhỏ của mình tồn tại và lớn mạnh.
Trước hết là lập kế hoạch. Khi làm bất kể việc gì, nhất là lập ra một doanh nghiệp sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề cần xử lý. Do đó, đòi hỏi bạn phải có kế hoạch cụ thể, khoa học trong khâu chọn lựa nhân sự và sắp xếp công việc sao cho phù hợp nhất và đạt hiệu quả cao nhất.
Thứ hai là sản phẩm. Trong kinh doanh, điều đầu tiên là chọn sản phẩm và câu hỏi các bạn luôn phải đặt ra là: mục đích cho ra sản phẩm này là gì? Nó có tính năng ra sao? Ai là người phù hợp sử dụng?… Chẳng hạn, khi bạn hoạt động trong lĩnh vực thời trang, đòi hỏi công ty bạn phải luôn tìm tòi, nghiên cứu để cho ra được những sản phẩm quần áo với thiết kế mới lạ, độc đáo dành cho nhóm đối tượng riêng biệt như giới trẻ hay trung niên... thì mới có thể đủ sức cạnh tranh với đối thủ.
Kinh nghiệm thương trường. Đa phần những người đứng ra thành lập một doanh nghiệp nhỏ của riêng mình thường có rất ít kinh nghiệm thương trường. Để khắc phục vấn đề này, chẳng có cách nào khác nếu các bạn không chịu va chạm với thực tế và tự rút cho mình những bài học. Cách đơn giản là sau những cuộc gặp với khách hàng, đối tác…, bạn phải luôn đặt ra cho mình những câu hỏi và tự trả lời để đúc kết những bài học kinh nghiệm trong làm ăn.
Vốn cũng là yếu tố rất quan trọng. Bạn có ít vốn thì làm nhỏ, nhiều vốn thì làm lớn hơn. Tuy nhiên, lớn hay nhỏ đều phải có cách quản lí một cách khoa học. Cái bẫy thường gặp trong kinh doanh đó là công nợ, bởi khách hàng không phải 100% đều thanh toán đúng hạn cho công ty, hoặc nếu có thanh toán thì chỉ một phần và kèm yêu cầu lấy thêm hàng với số tiền gấp 2 hay 3 lần số tiền họ trả. Do đó, bạn cần phải hết sức khéo léo để hạn chế tình trạng này, nhưng không làm mất lòng khách để giúp công ty không bị thiếu vốn và đi vào ngõ cụt.
Lợi nhuận. Đây là vấn đề sống còn của doanh nghiệp nhưng cũng là cái bẫy nguy hiểm vì nó có thể giết bạn nhanh hơn. Hiện nay, tôi thấy vì lợi nhuận mà đôi khi một số người phải giảm chất lượng sản phẩm của mình để đảm bảo mục tiêu đề ra.
Thế nhưng, họ không lường rằng, chính việc này khiến họ mất khách hàng và mất luôn thị trường. Do đó, các bạn hãy giữ được sự kiên định cho riêng mình là không vì chạy theo lợi nhuận trước mắt mà bất chấp chất lượng. Đây là tầm nhìn và bản lĩnh của mỗi người. Nếu bạn dám chấp nhận từ bỏ khách hàng nào đó vì giá cả của mình cao thì bạn đã bước qua một ngưỡng cửa của sự thành công về sau.
Vấn đề nhân sự. Một số người đang làm trong một công ty và có uy tín vì trình độ chuyên môn giỏi, tất cả các việc đều giải quyết nhanh chóng và chuẩn mực. Tuy nhiên, khi ra ngoài lập doanh nghiệp, một mình bạn không thể làm được hết mọi việc vì có rất nhiều áp lực vô hình. Khi làm ông chủ, bạn phải lo hàng hóa, nhà cung cấp, giao hàng, khách hàng, vận chuyển, tài chính… và những việc này bạn cần có sự trợ giúp.
Do đó, việc tìm người phù hợp cùng làm là rất quan trọng. Lúc này, bạn phải cân nhắc kỹ là mình có làm việc nhóm được không? Bạn có tin tưởng cộng sự của mình không? Bạn sẵn sàng chia sẻ sự hiểu biết và công sức của mình cho đồng nghiệp không?... Sự tin tưởng vào cộng sự sẽ góp phần vững mạnh bộ máy của doanh nghiệp bạn.
Phạm Ngọc Thành