Tọa đàm có sự tham gia của Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn - Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm & Liên danh; ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Le Group of Companies; Thạc sĩ David Tân Nguyễn - Chủ tịch BrainGroup kiêm Giám đốc Chiến lược BrainMark Vietnam.
Trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp Việt ngày càng quan tâm đến hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu. Dù vậy, có thực tế nhiều doanh nghiệp còn lúng túng khi đụng đến quyền sở hữu trí tuệ…
Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn - Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm & Liên danh, chỉ rõ một số những quan điểm chưa phù hợp của doanh nghiệp, như trong kinh doanh, doanh nghiệp hay dùng nhãn hiệu và thương hiệu để chỉ sản phẩm, nhưng trong văn bản quy phạm pháp luật dùng từ "nhãn hiệu" chứ không dùng thuật ngữ thương hiệu.
Tại Việt Nam, hiện khá phổ biến tình trạng các doanh nghiệp còn chủ quan trong việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu/thương hiệu của mình. Nhiều doanh nghiệp cứ nghĩ đã "khai sinh" ra thương hiệu và cứ tiến hành quảng bá, thậm chí có những doanh nghiệp còn không quan tâm đăng ký, dẫn tới trường hợp doanh nghiệp khác đã đăng ký, đến khi có tranh chấp, nhờ luật sư kiện, không những khó "giải oan" được mà còn mất uy tín, ảnh hưởng tới kinh doanh".
"Sử dụng thuật ngữ mang tính mô tả sản phẩm hoặc tên thông thường của sản phẩm, một địa danh như "Sài Gòn" sẽ không bảo hộ riêng. Hay với từ "true milk" - hoàn toàn là mô tả sản phẩm và Cục Sở hữu trí tuệ không bảo hộ từ này, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng được đăng ký có quyền gắn vào đó từ "true milk" vào sản phẩm", Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn lưu ý.
Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Le Group of Companies cho biết: "Nhãn hiệu "Đẹp" là một danh từ chung, nên nhãn hiệu Tạp chí Đẹp nổi tiếng của bên ông không được bảo hộ từ "Đẹp" như là tên riêng độc quyền. Tuy nhiên công ty ông đã dùng sự sáng tạo để xây dựng rất nhiều giá trị cho thương hiệu đó từ cách thể hiện đến nội dung nên sản phẩm đã in sâu vào tâm trí của người tiêu dùng và không bị nhầm lẫn với những cái tên na ná như Đẹp Fashion".
Liên quan đến vấn đề xử phạt của cơ quan chức năng trong trường hợp chưa rõ ràng về vi phạm của doanh nghiệp, hay cơ quan nào đủ thẩm quyền ra quyết định xử phạt, thạc sĩ David Tân Nguyễn - Chủ tịch BrainGroup, Giám đốc Chiến lược BrainMark Vietnam, nhận xét: "Việc xử phạt không rõ ràng gây hệ luỵ rất lớn cho doanh nghiệp, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng là họ không nhận biết được sản phẩm có thực sự bị vi phạm hay không? Cơ quan nào mới đủ thẩm quyền? Nếu người tiêu dùng hiểu doanh nghiệp thì câu chuyện sẽ khác nhưng có người lại tin vào thông tin không chính thức, doanh nghiệp bị người tiêu dùng quay lưng… Vì vậy, nếu doanh nghiệp không vi phạm thì phải quay lại vấn đề ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho doanh nghiệp?"
Các diễn giả khuyến cáo để tránh các tranh chấp đáng tiếc, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là điều cực kỳ quan trọng, và doanh nghiệp cần phải làm sớm để tránh những rủi ro về pháp lý cũng như ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh.