Một văn phòng rộng vài chục mét vuông, có bốn người ngồi nhưng chỉ một nhân viên thực sự, ba người còn lại chỉ là diễn viên.
Trần Minh Chí là một trong ba diễn viên đó.
Ngày hôm đó, phụ trách nhân sự dẫn một người đến văn phòng, nói: "Hôm nay cậu là nhân viên kinh doanh, ngồi ở đây". Sau đó vị này nhắc nhở hai người ngồi kế bên: "Ngồi nghiêm túc đúng vị trí, hết ngày sẽ nhận được tiền". Ba tiếng sau, người phụ trách lại đến và thông báo nhiệm vụ đã hoàn thành. Ông chủ công ty đã dẫn khách hàng đi ăn, việc thế thân thành công. Hết nhiệm vụ, cả ba người nhanh chóng giải tán.
Trần tìm được công việc này sau một mẩu tin trên mạng. Người đăng tuyển ghi rõ: "Công việc đơn giản, chỉ cần ngồi văn phòng vài tiếng là được tiền". Hôm đó, Trần đóng vai một nhân viên bán hàng, ngồi tại chỗ, chơi điện thoại di động trong ba tiếng và được trả 90 tệ (khoảng 300.000 đồng).
27 tuổi, Trần tốt nghiệp đại học ngành biên tập và xuất bản, từng kinh qua công việc tại một công ty Internet tại Thâm Quyến. Năm 2020, anh rời công ty sau một đợt sa thải nhân viên. Chàng trai bắt đầu tìm những công việc bán thời gian và gọi mình là "nhân viên hư cấu".
Nhiều người trẻ ở Thâm Quyến bị thất nghiệp và tham gia vào những công việc mà bản thân họ đánh giá, không đem lại giá trị thực tế. Ảnh minh họa: qq
Công việc hư cấu đầu tiên của Trần là đóng vai một người thuê nhà.
Tháng 8/2021, thời tiết Thâm Quyến rất nóng, người thuê lái xe chở Trần đến vị trí của tòa nhà giao dịch. Trần với tư cách là một trình lập viên, có nhu cầu mua nhà chuẩn bị cưới vợ. Trước khi vở kịch được bắt đầu, người môi giới yêu cầu Trần học thuộc chính sách mua nhà ở Thâm Quyến, số tiền tích góp được... để mọi việc diễn ra thuận lợi nhất.
Tòa nhà đầu tiên nằm ở ngoại ô thành phố. Vừa bước vào cổng, phía trước đã chật kín "người muốn mua nhà". Thứ tự của Trần là 100. "Nhiều người muốn mua như vậy, tại sao lại còn thuê mình", Trần đặt câu hỏi nhưng ngay tức khắc có câu trả lời: "Có thể họ cũng được thuê như mình".
Với thái độ nghiêm túc, Trần nhanh chóng bước vào vai diễn. Khi giai đoạn xem nhà kết thúc, Trần cùng người môi giới bắt đầu bước vào quá trình mua bán. Căn phòng 107 m2, ba ngủ một khách, có giá là 1,3 triệu tệ (4,5 tỷ đồng). Rồi người môi giới bắt đầu độc diễn, nói rằng vài năm trước anh ta mua một căn nhà có giá vài triệu tệ nhưng giờ đã lên 10 triệu tệ vì bất động sản tăng không ngừng.
"Đừng do dự, nếu không quyết nhanh, mai sẽ có người mua mất", người môi giới nói to rồi rời đi. Sau đó họ tiếp tục đi thêm 5 tòa nhà với một vở kịch tương tự. Kết thúc vai diễn, Trần được nhận 100 tệ tiền thù lao.
Sau khi nghỉ việc ở công ty cũ, Lương cũng trở thành một người làm việc hư cấu giống Trần. Có nhiều công việc kiểu này cho người đàn ông 30 tuổi lựa chọn. Một công trường xây dựng cần số lượng công nhân, miễn là điền vào mẫu đơn xin việc, đặt chứng minh thư lại 5 ngày cũng có thể được nhận 200 tệ. Một công việc khác lại yêu cầu chỉ ngồi để cho người khác đo huyết áp. Ngoài ra còn việc xem video để tăng tương tác và nhấn nút thích.
Những việc này đa số đều nhẹ nhàng, yêu cầu thấp nhưng lại có tiền mặt ngay. Trong những ngày khó khăn vì đại dịch thì đây đã trở thành công việc thường xuyên của một số người trẻ thất nghiệp ở Thâm Quyến.
"Hệ thống phân chia lao động giống như một cỗ máy. Để tránh sự mất mát và trật bánh do không quay, nhiều người làm việc như chất bôi trơn. Dù không tạo ra giá trị nhưng cũng đủ để cho bộ máy không ngừng lại", một chuyên gia kinh tế nhận định. Vì lý do này, đôi khi các nhà tuyển dụng giả mạo một số vị trí, tạo ra những công việc không được gọi là công việc với tiền công bèo bọt. Ở Thâm Quyến, ngoài khái niệm hư cấu, nhiều người còn gọi đây là công việc ma.
Lúc đầu Lương tham gia công việc ma chỉ vì thất nghiệp. Nhưng khi đã lành nghề, anh thấy có nhiều thứ kỳ quặc, không thể giải nghĩa.
Từng có chút kinh nghiệm chụp ảnh, Lương nhận được lời mời của một KOL chụp món ăn. Anh chấp nhận ngay vì kiếm được 200 tệ và có thể được ăn những món ngon miễn phí.
Để chụp dưới ánh nắng mặt trời, Lương đến quán lúc 9h sáng. Nữ chính mặc váy ngắn, trang điểm đậm ngồi xuống soi thực đơn rồi gọi một bàn thức ăn. Khi món lên bàn, công việc của Lương bắt đầu. Mỗi món ăn, cần phải đặt vị trí chỉn chu, điều chỉnh ánh sáng rồi chụp ảnh. Tiếp đó Lương phải đi vòng quanh cửa hàng tìm kiếm điểm chụp tốt nhất. Nữ chính liên tục bưng lên các món ăn, tư thái tao nhã giả vờ thưởng thức. Lương nhắm ống kính vào cô, liên tục ấn nút. Sau một buổi sáng, thức ăn đã nguội, cả nhóm cũng chẳng kịp lót dạ, phải chạy đến những điểm chụp mới. Ở điểm nào, Lương cũng cảm thấy khó chịu khi liên tục bị yêu cầu "ánh sáng phải tốt, làn da phải chụp trắng một chút, chú ý góc chụp"...
Vài ngày sau, Lương thấy những bức ảnh mình chụp cô gái kia đăng lên mạng xã hội. Dưới hình ảnh, cô tương tác với người hâm mộ: "Cơm ở đây rất ngon, cảnh rất đẹp, đừng bỏ qua". Thời điểm đó, Lương cảm thấy bản thân như đang ở một thế giới giả tạo, cuộc sống thực tế và cảm xúc con người hoàn toàn được hư cấu.
Buổi chụp ảnh món ăn mà Lương được thuê một ngày tại thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc, tháng 2/2022. Ảnh: qq
Dù cố gắng tìm kiếm ý nghĩa tích cực của công việc hư cấu nhưng Trần Minh Chí ngày càng phát hiện sự vô lý.
Gần đây anh nhận được công việc thống kê lưu lượng người vào một cửa hàng trong chương trình khuyến mãi tại siêu thị. Theo lý thuyết, khi một người bước qua cửa cảm ứng của cửa hàng, số liệu thống kê sẽ tăng thêm một. Nhưng thực tế, nhân viên cửa hàng thi nhau nhảy qua nhảy lại cửa cảm ứng, Bằng một lý do nào đó, số lượng người đến cửa hàng trong ngày được đo trên hệ thống đạt mức kỷ lục, hơn 20.000 lượt. Trong khi, số lượng thực tế thấp hơn rất nhiều.
"Tạo ra kịch bản thịnh vượng khi không có giá trị thực tế. Và khi khối lượng giao dịch không đạt được như kỳ vọng, nhân viên cửa hàng sẽ tìm lý do để biện minh, ví dụ chế độ đãi ngộ không tốt để họ yên tâm làm việc", Trần Minh Chí nói, sự thật đã được che đậy và không ai sẵn sàng vạch trần.
Cách đây không lâu, Trần tham gia một diễn đàn để lấp đầy số lượng người. Khi những chuyên gia đang thảo luận nghiêm túc và tích cực thì những người lấp chỗ trống như anh ngồi một góc và chơi game, chờ ăn tiệc trưa và nhận quà tặng.
Tại hội nghị này, Trần gặp một "đồng nghiệp cũ", cũng đến đây làm nhân viên lấp đầy. Bọn họ tán gẫu thật lâu, cùng cảm thán về tình hình kinh tế khó khăn.
"Thay vì là người thế thân hay nhân viên lấp đầy, chúng ta cùng hợp tác làm trung gian môi giới cho công việc kiểu này", người đồng nghiệp đưa ra ý tưởng. Như tìm thấy đường sống mới, ánh mắt Trần sáng bừng, anh quả quyết: "Chúng ta nhất định sẽ làm được".